Tại Tọa đàm "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, giới chuyên gia đều lo ngại số lỗ lớn năm 2022 và năm 2023 sẽ gây nguy hại cho ngành điện, ảnh hưởng an ninh năng lượng.
Đáng nói, tọa đàm diễn ra sau thời gian ngắn khi lực lượng liên ngành vào cuộc kiểm tra và công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo đó, năm 2023, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 21.821 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2022, EVN có số lỗ 20.747 tỷ đồng, tổng số lỗ năm 2022-2023 dự kiến của EVN tăng lên khoảng 47.500 tỷ đồng.
Lý giải về số lỗ của EVN trong năm 2023, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Quá trình và kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN đảm bảo quá trình tính khách quan, minh bạch.
Theo báo cáo của EVN và trong quá trình kiểm tra của đoàn kiểm tra, năm vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện gồm giá than, dầu, khí, tỉ giá ngoại tệ đều tăng cao do biến động của tình hình chính trị xã hội toàn thế giới cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Điều này, khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi, cụ thể là nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm, trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao.
Cùng với đó, nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10-11%, như vậy, ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, ngành điện tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn. Tất cả những yếu tố đó dẫn tới chi phí phát điện tăng cao.
Tham dự tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, giá thành mua điện đang cao hơn giá bán, gây nhiều hệ lụy cho ngành điện.
"Nếu số lỗ của EVN tăng mạnh theo từng năm như vậy sẽ khiến tập đoàn này khó đảm bảo tín nhiệm qua con số tài chính để vay vốn, thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển nguồn và lưới điện", ông Thỏa cho hay.
Trong khi đó, TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh nhấn mạnh: EVN không có đủ nguồn lực đầu tư dự án lớn nếu mấy năm lỗ triền miên như vậy.
"Nếu tiếp tục duy trì giá điện thấp sẽ rất nguy hiểm đảm bảo an ninh năng lượng, thiệt hại nhiều tỷ USD cho nền kinh tế, mất điện sẽ khiến thất nghiệp, mất việc làm", ông này nhấn mạnh.
Ông cũng nói thêm rằng, nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì một cơ chế giá bán điện có sự trợ giá, bù lỗ thì EVN sẽ không có đủ nguồn lực đầu tư các dự án lớn. "Chúng ta thấy vừa qua, việc xây dựng đường dây 500 KV mạch 3 có nỗ lực rất lớn của EVN để làm sao đạt được được tiến độ nhanh nhất”, ông Sơn nói.
TS Sơn cũng bày tỏ băn khoăn rằng, EVN có thể "gồng" được bao nhiêu với các dự án tương tự như thế? Sắp tới, chúng ta thấy rõ thách thức rất lớn đối với xây dựng các nguồn điện mang tính chủ đạo để bảo đảm an ninh năng lượng.
Theo ông Sơn, với mức giá điện hiện nay, không thể thu hút vốn từ các nhà đầu tư tư nhân. Việc duy trì giá điện như hiện nay cũng gây khó khăn cho triển khai quy hoạch phát triển điện trung, dài hạn.
“Nếu EVN cố gắng tìm cách giảm giá mua điện sẽ khiến nhà sản xuất, nhà bán điện thiếu động lực, từ đó tác động xấu tới đầu tư, an ninh ngành điện. Trong khi đó, giá bán điện tính không hợp lý, không đạt mục tiêu khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm, chuyển đổi sản xuất điện xanh”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu kiến nghị về lâu dài đối với giá điện, phải tách bạch các nhóm chính sách. Để thúc đẩy sản xuất điện, tiêu dùng, sản xuất xanh, theo ông Hiếu, buộc phải có nhóm chính sách thúc đẩy tiêu dùng tiết kiệm điện, ví dụ thông qua các chính sách về thuế, chính sách về thúc đẩy KHCN, kinh tế tuần hoàn,… Ngoài ra, biểu thang giá điện cũng phải thiết kế hợp lý, để thúc đẩy tiêu dùng điện tiết kiệm, có hiệu quả.
Về cơ chế giá, TS Nguyễn Tiến Thoả, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, trong tháng 5/2024, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân với các căn cứ điều chỉnh giá bán lẻ, định kỳ điều chỉnh 3 tháng/lần.
“Nếu chúng ta tuân thủ các quyết định này thì giải quyết được rất nhiều vấn đề vì định hướng theo thị trường, đầu vào cứ tăng - giảm trong 3 tháng thì được điều chỉnh. Giá điện bám sát sự biến động của thị trường, không hoàn toàn thả nổi theo cơ chế thị trường”, ông Thỏa nói.
Ông này cũng cho rằng, về dài hạn, cần phải nhanh chóng sửa cơ chế chính sách giá điện trong Luật Điện lực.
"Lần này trong Luật Điện lực (sửa đổi), nguyên tắc điều hành giá như thế nào, căn cứ điều hành giá như thế nào, quy trình điều hành giá ra sao... phải rất mạch lạc, như vậy, với tầm nhìn dài hạn mới có thể xử lý được những yêu cầu đặt ra đối với một trong những vấn đề cốt lõi của ngành điện, đó chính là giá điện", ông Thỏa nói.