EVN, TKV góp ý đề xuất dẫn vốn Trung Quốc đầu tư nhiệt điện của Geleximco

04/04/2018 20:38
Liên doanh Geleximco - HUI muốn đầu tư nhà máy nhiệt điện than không cần bảo lãnh Chỉnh phủ về vốn vay...

Liên danh Tập đoàn Geleximco - Công ty TNHH Hồng Kông United (HUI) vừa đề xuất tham gia một số dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện theo hình thức PPP (đối tác công - tư) như Quỳnh Lập 1, Quỳnh Lập 2, Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2 và Hải Phòng 3, trong đó liên danh đầu tư góp 75-80% vốn.

Liên danh sẽ chịu trách nhiệm thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng và các nguồn vốn vay thương mại quốc tế không cần bảo lãnh Chính phủ. Trong đó dự kiến tỷ lệ vốn chủ sở hữu/vốn vay từ các tổ chức tín dụng là 20%/80%.

80% vốn được vay từ các tổ chức tín dụng với lãi suất 10,86%/năm, vay thương mại quốc tế 11,77%/năm. Phần này sẽ được huy động từ tổ hợp các ngân hàng do Ngân hàng Phát triển nhà nước Trung Quốc đứng đầu bao gồm Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc Chi nhánh Hồ Nam - Chi nhánh An Huy, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc.

Trong văn bản góp ý đến Bộ Công Thương, Tập đoàn Công nghiệp - Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 được Chính phủ giao cho TKV làm chủ đầu tư năm 2009, dự kiến vận hành thương mại tổ máy 1 vào năm 2022, tổ máy 2 vào năm 2023.

TKV đã và đang thực hiện các bước liên quan đến đầu tư dự án như phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định 348 ngày 6/3/2017; đã đàm phán với tổ hợp nhà thầu EPC Doosan - Lilama - Narime về gói thầu EPC và đạt được một số kết quả sơ bộ; đàm phán hợp đồng mua bán điện với EVN.

TKV cũng cho biết đã đàm phán hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển dự án điện này. Ngày 8/5/2017, TKV ký biên bản ghi nhớ với Geleximco và KAIDI. Tiếp đó, tập đoàn này ký kết biên bản ghi nhớ với KOSPO (Hàn Quốc) về việc hợp tác phát triển dự án.

Theo thoả thuận, TKV chủ trương nắm giữ vốn cổ phần dự án tối thiểu là 36%. Đối với phần vốn còn lại, TKV mong muốn Geleximco, KAIDI, KOSPO và các nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia góp vốn đầu tư phát triển dự án trên cơ sở được sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền Việt Nam.

"Geleximco, KAIDI, KOSPO bày tỏ mong muốn được tham gia góp vốn đầu tư dự án với tỷ lệ cổ phần dự kiến Geleximco 30%, KAIDI 34% và KOSPO là 34%", một văn bản của Bộ Công Thương cho hay.

Trong quá trình đàm phán, Geleximco, KAIDI khẳng định chỉ hợp tác phát triển với cơ cấu nhà đầu tư bao gồm TKV (36%), KAIDI (34%), Geleximco (30%) và không hợp tác với bất kỳ nhà đầu tư nào khác.

Còn KOSPO đề xuất tỷ lệ góp vốn với 34% và có thể điều chỉnh tỷ lệ góp vốn theo cơ cấu các nhà đầu tư do TKV lựa chọn với điều kiện được tham gia vai trò quản lý vận hành và bảo dưỡng nhà máy khi nhà máy đi vào hoạt động.

KOSPO cũng đề nghị dự án cần xem xét có bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam về vốn vay cũng như hợp đồng mua bán điện.

"Trên cơ sở đề xuất của 3 nhà đầu tư, TKV có chủ trương lựa chọn cơ cấu nhà đầu tư gồm TKV góp 36%, KOSPO góp 34% và nhà đầu tư khác là 30%. Hiện TKV đang tìm kiếm một nhà đầu tư khác có đủ năng lực để xem xét lựa chọn. Sau khi có kết quả TKV sẽ báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo", văn bản cho hay.

TKV cho rằng, đề xuất hợp tác của Liên danh Geleximco - HUI là không phù hợp với chủ trương kêu gọi đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 của Hội đồng Thành viên TKV, theo đó TKV nắm giữ cổ phần chính của dự án.

Về phía EVN, tập đoàn này cũng tổ chức họp với đại diện của Geleximco. EVN đã thông báo cho Geleximco về tình hình thực hiện đầu tư các dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 và 2 do EVN làm chủ đầu tư. Đối với Quảng Trạch 2, EVN đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, gói thầu tư vấn lập hồ sơ FS, hiện xem xét phê duyệt hồ sơ mời thầu.

Về thu xếp vốn thực hiện các dự án, EVN đã được Vietcombank cam kết là đầu mối thu xếp vốn cho dự án Quảng Trạch 1; Vietinbank là ngân hàng đầu mối thu xếp vốn cho Quảng Trạch 2.

Việc Geleximco đề xuất đầu tư theo hình thức PPP chưa được quy định đối với công trình điện. Thời gian thành lập công ty liên doanh (trong đó, doanh nghiệp nhà nước chiếm 20-30% cổ phần, còn lại là Geleximco và KAIDI đầu tư) sẽ kéo dài, dẫn đến làm chậm tiến độ dự án.

"Nếu giao công ty liên danh theo hình thức này là chỉ định thầu, khó đàm phán giá điện, thủ tục kéo dài tương tự như các dự án BOT, không đảm bảo tiến độ theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh", EVN cho hay.

Tập đoàn cho rằng dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 và 2 do EVN là chủ đầu tư và việc giao chủ đầu tư dự án không thuộc thẩm quyền của EVN và Geleximco.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ này cho biết đã làm việc với TKV và Liên danh Geleximco - HUI về việc thực hiện nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1. Đến nay, TKV, Geleximco - HUI chưa thống nhất được tỷ lệ vốn góp vào dự án. TKV mong muốn giữ 36% còn liên doanh Geleximco - HUI mong muốn giữ 75%, TKV là 25%.

"Hiện nay vấn đề tài chính của TKV đang gặp khó khăn, TVK không thể thu xếp vốn để một mình thực hiện dự án. Theo phương án hợp tác góp vốn, TKV vẫn đề nghị xem xét chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ, nếu không khó có thể thu xếp được nguồn vốn cho dự án này", Bộ Công Thương cho hay.

Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu TKV khẩn trương báo cáo về phương án góp vốn thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, tuy nhiên, đến nay TKV chưa đàm phán xong và chưa có báo cáo về việc này. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ không đáp ứng được tiến độ dự án.

Để có cơ sở báo cáo Thủ tướng, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng tham gia ý kiến về đề xuất đầu tư của Liên danh Geleximco - HUI đối với Dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1.

Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 có tổng mức đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD, Quảng Trạch 2 dự kiến 2,4 tỷ USD, tổng mức đầu tư 2 dự án lên tới khoảng 4,5 tỷ USD.

Geleximco do ông Vũ Văn Tiền là Chủ tịch Hội đồng Quản trị trong những năm gần đây liên tục có những đề xuất đầu tư vào hạ tầng đô thị, nhiệt điện, giao thông tại Việt Nam.

Theo Chủ tịch Vũ Văn Tiền, Geleximco có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, như Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam; một số quỹ đầu tư lớn như Tập đoàn Quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc - công ty nhà nước với tổng tài sản đạt trên 250 tỷ USD có năng lực và kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực quản lý tài sản và đầu tư, Công ty TNHH Cổ phần Đầu tư Dân Sinh…

Tin mới

Lần đầu tiên Việt Nam có "Nhà máy Livestream" hoạt động 24/7
8 giờ trước
Nhà máy Livestream này được trang bị công nghệ và khả năng phát sóng hiện đại nhất, sẽ nâng cao trải nghiệm mua sắm sản phẩm ngành làm đẹp
Loạt iPhone cũ liên tục 'cháy hàng', giá giảm sâu chưa từng có
8 giờ trước
Nhu cầu mua sắm iPhone cũ ngày càng tăng, cộng thêm các ưu đãi độc quyền từ các nhà bán lẻ giúp người dùng sở hữu máy với giá tiết kiệm hàng triệu đồng.
Xuất khẩu nông sản tăng ngay đầu năm, vững tiến tới 65 tỷ USD
9 giờ trước
“Dù còn nhiều thách thức nhưng nhờ kim ngạch xuất khẩu quý I tăng trưởng khá tốt, chúng ta có thể yên tâm về việc quý sau sẽ tăng trưởng hơn quý trước. Hoàn toàn có thể vững tiến đến mục tiêu xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 64-65 tỷ USD trong năm nay” - ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) - chia sẻ với PV Tiền Phong chiều 1/4.
Giá vàng lập đỉnh rồi quay đầu, nhà đầu tư nên mua hay bán?
9 giờ trước
Trong phiên giao dịch chiều nay (1/4), giá vàng quay đầu giảm sau phiên sáng tăng mạnh lên gần mốc 103 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng vẫn neo quanh mốc 102 triệu đồng/lượng. Nhiều dự báo cho thấy, sau nhịp tăng mạnh, giá vàng trong nước sẽ quay đầu giảm trong tháng 4 và tháng 5, có khả năng về quanh mốc 90 triệu đồng/lượng.
Xe Nhật ngược dòng tăng giá tại Việt Nam: Gần 10 mẫu, có mẫu tăng 600 triệu dù không bán nhiều
9 giờ trước
Tất cả những mẫu xe tăng giá bán trong quý I/2025 đều đến từ các thương hiệu Nhật Bản và đều là xe phổ thông.

Tin cùng chuyên mục

Giải Golf Hữu nghị Việt Nam – ASEAN mở rộng 2025 có gì đặc biệt?
28/03/2025 17:53
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (1995 - 2025), Giải Golf Hữu nghị Việt Nam - ASEAN Mở rộng 2025 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 19 - 20/4 tới đây tại tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng giá trị giải thưởng lên đến 10 tỷ đồng.
Hãng điện thoại Trung Quốc từng "mất tích bí ẩn" bất ngờ tái xuất ở Việt Nam: Tiếng tăm ngang hàng Xiaomi
28/03/2025 08:16
Đây là thương hiệu Trung Quốc chuyên các mẫu điện thoại giá tốt, cấu hình cao, sáng ngang với những cái tên đình đám như Xiaomi, Oppo hay Huawei.
Tiết lộ về cuộc đột kích bí mật, bất ngờ của hàng trăm cảnh sát, thu 1,4 tấn ma túy giá hàng nghìn tỷ
27/03/2025 07:58
Lãnh đạo Cục C04 thông tin, hàng tấn ketamin vừa bị thu giữ có hàm lượng tinh khiết nhất do các đối tượng có tay nghề cao sản xuất ra.
Founder Nhật Bản mang 'chất xám' đến châu Phi, bán xe điện chỉ với giá hơn 46 triệu đồng
26/03/2025 12:35
Công ty khởi nghiệp này đã đặt cược vào xe máy chạy điện.