Quy hoạch Điện VIII cần đánh giá tỷ trọng tối đa của các dạng nguồn
Vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có góp ý dự thảo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII). Theo đó, EVN đánh giá, liên quan đến cơ cấu nguồn điện, đơn vị soạn thảo cần có đánh giá tỷ trọng tối đa của các dạng nguồn. Từ đó, đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là các nguồn dùng nhiên liệu nhập khẩu, tăng tỷ trọng của các nguồn truyền thống.
Bên cạnh đó, đối với nguồn năng lượng tái tạo, cần xác định lại tỷ lệ nhất định để đưa vào cân bằng công suất trong cân đối nguồn - tải (dựa trên số giờ huy động công suất khả dụng và nguồn năng lượng tái tạo trên phạm vi tỉnh, vùng, toàn quốc) và khả năng dự phòng từ các nguồn khác khi nguồn năng lượng tái tạo không thể vận hành.
EVN nhấn mạnh, liên quan đến các nguồn năng lượng tái tạo, chỉ xem xét cơ chế huy động ưu tiên tới mức quy định theo định hướng của Nghị quyết 55 đối với từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 5 năm đến 2030 là 15-20% năng lượng sơ cấp; đến 2045 là 25-30% năng lượng sơ cấp; tương đương 30% điện sản xuất năm 2030 và 40% điện sản xuất năm 2045).
Ngoài ra, cần xác định rõ nhóm năng lượng tái tạo nằm ngoài nhóm được hưởng cơ chế ưu tiên huy động để có cảnh báo rõ ràng cho chủ đầu tư các dạng nguồn khác xem xét quyết định đầu tư, nhất là chế độ vận hành lên xuống tải thường xuyên và số giờ vận hành thấp.
Bên cạnh chỉ tiêu tỷ trọng các dạng nguồn theo quy mô công suất đặt, cần có đánh giá tỷ trọng các nguồn theo nhu cầu phụ tải, đặc biệt là tỷ trọng của các nguồn năng lượng tái tạo để có các kiến nghị về cơ chế, chính sách phù hợp.
Theo EVN, với phương pháp phát triển nguồn được chọn, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo theo phụ tải xu hướng tăng từ 55,4% hiện nay lên 83% vào năm 2045 sẽ gây áp lực rất lớn đến công tác đầu tư (đầu tư kép – phải có nguồn dự phòng cho năng lượng tái tạo), chi phí vận hành hệ thống điện.
Cần cơ chế mua điện phù hợp thay cho hình thức BOT trước đây
Liên quan đến cơ chế chính sách và giải pháp thực hiện Quy định Điện VIII, EVN cho hay, cơ chế bảo lãnh Chính phủ cho nhà đầu tư theo hình thức BOT có thể không còn được áp dụng. Vì vậy, đối với các dự án nguồn điện trong tương lai sẽ chủ yếu được thực hiện theo hình thức IPP, cần thiết có các cơ chế điều chỉnh phù hợp đối với các dự án BOT đã giao chủ đầu tư và đang thực hiện đàm phán.
Thêm vào đó, với việc bổ sung khối lượng lớn các dự án nguồn nhiệt điện và LNG do chủ đầu tư chủ yếu là các nhà đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài như trong dự thảo, sẽ cần thiết có cơ chế mua điện phù hợp, nhằm đảm bảo rủi ro cho các nhà đầu tư thay cho hình thức BOT trước đây, đảm bảo duy trì thu hút vốn đầu tư vào nguồn điện.
Cuối cùng, với đấu thầu lưới điện, EVN nhận định, cần xem xét chỉ đấu thầu lưới điện đấu nối đi kèm các dự án nguồn (đấu thầu chung với các dự án nguồn) và không đấu thầu các dự án lưới truyền tải có tính chất xương sống, liên kết trong hệ thống điện và đảm bảo an toàn vận hành hệ thống, an ninh cung cấp điện.