Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) mới đây đã nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua.
NHNN yêu cầu Eximbank thực hiện việc phát hành cổ phiếu theo quy định của pháp luật, bao gồm việc tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn của NHNN sau khi tăng vốn.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên của Eximbank đã thông qua việc phát hành 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ nhận được số cổ phần mới tối đa là 20 cổ phần. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận để lại năm 2017-2021.
Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014 đến nay. Được biết, Eximbank đã thỏa mãn điều kiện cuối cùng để chia cổ tức sau khi tất toán xong toàn bộ trái phiếu VAMC.
Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên mức 14.814 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ. Vốn điều lệ của nhà băng này đã đứng yên ở mức 12.355 tỷ đồng từ năm 2012 đến nay.
Còn nhớ giai đoạn 2011, vốn điều lệ của Eximbank cao nhất trong các ngân hàng tư nhân và chỉ đứng sau nhóm Big 4 (Vietcombank, Agribank, VietinBank, Vietcombank). Tuy nhiên, sau hơn 1 thập kỷ, vốn điều lệ của Eximbank hiện nay chỉ đứng quanh Top 18-Top 20 trong hệ thống.
Trong những qua, khi nhiều nhà băng bứt phá với những chiến lược kinh doanh mới thì Eximbank liên tục bị xáo trộn về cơ cấu cổ đông, ban lãnh đạo, mà qua đó cũng khiến hoạt động kinh doanh nhà băng này liên tục đi ngang, dần đánh mất vị thế của ngân hàng tư nhân hàng đầu. Nhiều năm liền, Eximbank không thể tổ chức đại hội đồng cổ đông vì mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn.
Đến năm nay, Eximbank mới tổ chức thành công cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên, đánh dấu bước ngoặt mới tại nhà băng này. Bà Lương Thị Cẩm Tú, tân Chủ tịch HĐQT vừa được bầu tại cuộc họp cho biết, tình trạng "đấu đá nội bộ" đã kết thúc. Ở nhiệm kỳ VII (2020 – 2025), Hội đồng quản trị đề ra mục tiêu đặt lợi ích cổ đông và phát triển ngân hàng lên hàng đầu.
Về hoạt động kinh doanh, Eximbank cũng cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của mình trong năm nay. Theo báo cáo tài chính, Eximbank là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý 2/2022 khi báo lãi trước thuế đạt 1.094 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.902 tỷ đồng, tăng 243% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất trong hệ thống.
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản Eximbank đạt 174.583 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,6% lên 124.528 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3% lên 141.495 tỷ đồng. Nợ xấu của Eximbank tăng 4,3% trong 6 tháng đầu năm lên 2.344 tỷ, mức tăng thấp hơn so với toàn danh mục cho vay. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay giảm từ 1,96% xuống 1,88%.
Ngân hàng cũng cho thấy quyết tâm của mình trong việc tiếp tục thực hiện các kế hoạch vốn bị đình trệ nhiều năm qua. Sau nhiều năm, dự án trụ sở chính Eximbank cũng đang được tái khởi động lại. Ngân hàng đã thông qua kế hoạch đầu tư xây dựng Tháp Eximbank bằng 100% nguồn vốn tự có. HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) được giao nhiệm vụ triển khai công tác lập và trình phê duyệt quy hoạch, lập và trình phương án kiến trúc, lập báo cáo đầu tư xây dựng tòa nhà Eximbank phù hợp với chủ trương đầu tư của ngân hàng và quy hoạch của TP HCM để trình ĐHCĐ trong những kỳ đại hội tiếp theo. Trụ sở này được đặt tại số 7, đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM.