Nguyên do là bởi trong vòng 2 năm gần đây từ 2019-2020, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam ( Eximbank , HoSE: EIB) chưa tiến hành được đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) nào thành công, khi các kỳ đại hội đều bất thành vì hoặc không đủ túc số cổ đông tham dự theo quy định; hoặc cổ đông bất đồng không thông qua quy chế đại hội; hoặc do… COVID-19. Mà căn nguyên phía sau là những bất đồng chưa thể tháo gỡ giữa các nhóm cổ đông.
ĐHĐCĐ Thường niên 2021 của Eximbank lại bất thành theo kịch bản cũ
Vì lẽ đó, đến 2020, lẽ ra nhiệm kỳ VI của HĐQT Eximbank đã hết, nhưng các thành viên của HĐQT vẫn phải tiếp tục công việc nhằm duy trì sự ổn định và hoạt động bình thường cho Eximbank trong khi đợi HĐQT của nhiệm kỳ mới tiếp quản công việc theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật các Tổ chức tín dụng và khoản 2 Điều 41 Điều lệ Eximbank.
Tuy nhiên, việc kiêm nhiệm "làm thêm" bất đắc dĩ của HĐQT Eximbank sau năm COVID thứ nhất, vẫn chưa thể sớm kết thúc. Do kỳ ĐHĐCĐ năm 2020 lần thứ ba (trừ 2 lần hoãn do COVID-19) vừa diễn ra mới đây của ngân hàng đã bất thành trong tình huống mặc dù đủ túc số cổ đông tham dự song Đại hội đã không thông qua quy chế họp. Tương tự, kỳ ĐHĐCĐ năm 2021 lần thứ nhất được diễn ra kế đó, cũng đã không thể tiến hành khi lặp lại kịch bản cũ túc số cổ đông tham dự dưới 65%. Các thành viên HĐQT nhiệm kỳ của Eximbank lại tiếp tục… ra về trong nỗi vất vả phải "gồng gánh" công việc thêm thời gian – điều mà họ đã làm hơn nguyên một năm qua và hơn thế, lại chưa được cổ đông thông qua thù lao lẫn ngân sách hoạt động của cả năm 2019, 2020.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Eximbank, một trong những tài liệu HĐQT dự kiến trình cổ đông là tờ trình kiến nghị của các nhóm cổ đông về việc miễn nhiệm thành viên HĐQT cũ. Cụ thể theo tài liệu, HĐQT Eximbank cho biết ngày 19/4/2021 đã nhận được yêu cầu từ nhóm cổ đông với các đại diện CTy Rồng Ngọc, CTy Helios, Cty Thắng Phương, bà Thái Thị Mỹ Sang và bà Lưu Như Trân đại diện tổng số cổ phần sở hữu 10, 3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đề nghị ĐHĐCĐ miễn nhiệm 5 TV HĐQT nhiệm kỳ VI là ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng.
Tiếp đó 20/4/2021, HĐQT Eximbank nhận được văn bản kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp của nhóm cổ đông ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Trần Công Cận, Lafelle Limited, Education Management Holdings Limited sở hữu 11,2% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đề nghị miễn nhiệm 3 TV HĐQT nhiệm kỳ VI gồm ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai, bà Lương Thị Cẩm Tú.
Như vậy nếu ĐHĐCĐ 2021 của Eximbank diễn ra theo đúng kế hoạch, vấn đề kiến nghị của nhóm cổ đông với đề nghị miễn nhiệm tới 8 thành viên HĐQT sẽ đưa ra đại hội.
Trong khi đó, thực tế như nêu trên, HĐQT nhiệm kỳ đã kết thúc theo nhiệm kỳ 2015-2020. Dù miễn nhiệm hay không, Eximbank cần một HĐQT mới theo Luật quy định với tối thiểu 3 thành viên và tối đa 11 thành viên để tiếp tục công việc ở giai đoạn 5 năm 2020-2025.
Còn nhớ cũng theo kế hoạch ĐHĐCĐ 2021 , một trong những nội dung được cho khiến Đại hội (cổ đông) không thông qua quy chế, là Ban tổ chức Eximbank cho biết NHNN đã chuẩn y danh sách nhân sự dự kiến bầu làm thành viên HĐQT, BKS Eximbank nhiệm kỳ VII.
Eximbank đã gửi tờ trình đề nghị cổ đông thông qua số lượng thành viên HĐQT là 11 người. Số lượng thành viên Ban kiểm soát là 3 người.
Theo danh sách đề cử gửi đến các cổ đông, ứng viên HĐQT chỉ có 4 nhân sự hoàn toàn mới gồm: Lê Hồng Anh, Đào Phong Trúc Đại, Nguyễn Hiếu và Yasuo Takeuchi. Trong đó, bà Lê Hồng Anh là phu nhân của ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Tập đoàn Thành Công - đại diện nhóm cổ đông đến từ Hyundai Thành Công.
Danh sách ứng viên ban kiểm soát đủ ba người gồm ông Trần Ngọc Dũng, bà Nguyễn Thị Hiền Ngọc và ông Trịnh Quốc Bảo.
Eximbank vẫn được đánh giá cao vì kết quả kinh doanh 2020 và sự gắn bó của nhiều CBNV. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 2.150 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2020, mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC trong quý 1/2021
Một TV HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI nay vẫn đang tiếp tục công việc, trao đổi với phóng viên cho biết: Nếu Đại hội thông qua quy chế, thông qua kiến nghị miễn nhiệm TV HĐQT nhiệm kỳ cũ và thông qua đề cử các ứng viên của HĐQT mới, Eximbank vẫn còn "dư" vị trí TV HĐQT để các nhóm cổ đông tiếp tục cử đại diện bầu bổ sung thêm. Thế nhưng việc Đại hội không thông qua quy chế đại hội khiến Eximbank không thể tiến hành bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới làm nhiều người rất thất vọng. Bởi để có danh sách này, các nhóm cổ đông theo quy định cử đại diện căn cứ trên tổng số cổ phần sở hữu tham gia ứng cử đề cử, cũng đã thông qua tiểu ban tiếp nhận xử lý hồ sơ ứng cử đề trình lên NHNN và đặc biệt NHNN đã chuẩn y, vậy mà cổ đông đến phút chót lại vẫn… đổi ý (!).
"Là TV HĐQT nhiệm kỳ VI của Eximbank, chúng tôi vẫn đang rất cố gắng đảm đương công việc trong nhiệm kỳ kéo dài quá thời hạn, theo vị trí được phân công. Nhưng tôi cho rằng việc không thể tìm được tiếng nói chung, không thể bầu ra được một HĐQT, BKS nhiệm kỳ mới để tiếp tục công việc theo Luật, là một bất lợi cho Eximbank. Eximbank đã có những bước khởi sắc về hoạt động kinh doanh trong giai đoạn đầy thách thức vừa qua. Ban lãnh đạo ngân hàng đã rất cố gắng, thể hiện bản lĩnh điều hành phát huy được sức mạnh nền tảng và khơi gợi nỗ lực gắn bó, vượt qua thử thách của tập thể hơn 6.000 CBNV, vượt COVID-19 và thúc đẩy tăng trưởng của ngân hàng. Eximbank có thể làm tốt hơn như thế, phục vụ thị trường tốt hơn, nếu có một sự đồng lòng hợp sức và một HĐQT, BKS sẵn sàng lên chiến lược mới, kế hoạch mới, phối hợp cùng Ban Lãnh đạo tạo đà đột phá trong giai đoạn mới. Trừ yếu tố COVID-19, nếu sớm có được sự đồng lòng trên mọi bình diện, là người gắn bó lâu với ngân hàng, tôi tin tưởng Eximbank sẽ đạt được các mục tiêu cao".
Cũng theo vị TV HĐQT này cho biết, nỗi niềm của ông đang là nỗi niềm của nhiều cổ đông nhỏ lẻ, nhiều CBNV Eximbank. Theo ông chia sẻ, hiện Eximbank đang lên kế hoạch để bàn họp ĐHĐCĐ tiếp theo, theo quy định thông báo mời họp lần thứ 2 trong vòng 30 ngày sau Đại hội lần 1. Tuy nhiên không loại trừ khả năng kế hoạch kỳ họp tới lại tiếp tục bị trì hoãn do yếu tố bất khả kháng dịch bệnh.