Kể từ ngày thứ hai tuần sau (31/8), chỉ số công nghiệp Dow Jones sẽ trải qua 1 sự thay đổi lớn: Salesforce, Amgen và Honeywell sẽ gia nhập chỉ số gồm 30 cổ phiếu, lần lượt thay thế cho Exxon Mobil, Pfizer và Raytheon Technologies.
Giới phân tích nhận định sự ra đi của Exxon Mobil chính là dấu hiệu mới nhất cho thấy tầm ảnh hưởng của ngành dầu khí ở nước Mỹ đang ngày càng bị thu hẹp như thế nào.
Giờ đây trong chỉ số Dow Jones sẽ chỉ còn lại duy nhất 1 cổ phiếu năng lượng là Chevron, và cổ phiếu này cũng chỉ chiếm tỷ trọng 2,1%. Tỷ trọng của các cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones được tính toán dựa trên giá cổ phiếu chứ không phải giá trị vốn hóa.
Trong chỉ số rộng hơn là S&P 500, ngành năng lượng cũng không khá hơn với tỷ trọng đã giảm xuống dưới 2,5% và trở thành ngành có tầm ảnh hưởng yếu nhất trong tất cả 11 nhóm ngành. Ở thời hoàng kim năm 2011, con số từng lên tới 12%.
Mặc dù chủ yếu mang tính biểu tượng (vì Dow Jones hẹp hơn nhiều so với S&P 500), việc Exxon rời chỉ số Dow có ý nghĩa lịch sử khá quan trọng. Exxon chính là công ty lâu đời nhất trong chỉ số này, đã gia nhập từ năm 1928, khi vẫn dùng tên gọi cũ là Standard Oil.
Và cách đây không lâu, năm 2013 Exxon vẫn là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất nước Mỹ. Tuy nhiên mức vốn hóa hơn 415 tỷ USD đã giảm xuống dưới 180 tỷ USD và Exxon bị hàng loạt công ty công nghệ như Apple, Amazon và Microsoft vượt mặt.
"Exxon – công ty từng là gã khổng lồ trên thị trường Mỹ - giờ bị loại ra khỏi chỉ số Dow. Điều đó cho thấy mọi thứ có thể thay đổi nhanh như thế nào và ngành năng lượng đã tuột dốc như thế nào", Matt Hanna, chuyên gia đến từ Summit Global Investments nói.
Thông thường thì nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những cơ hội "săn hàng giảm giá" trong 1 ngành đang đi xuống như vậy, nhưng hiện nay nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra hoài nghi về triển vọng phục hồi của ngành năng lượng. Họ e ngại về triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và mức lợi nhuận không đồng đều của ngành này.
Năng lượng là ngành diễn biến tệ nhất trong chỉ số S&P 500 kể từ đầu năm đến nay, giảm tới 40% dù toàn chỉ số tăng 6,6%. Năm 2018 và 2019 cũng đã diễn ra tình trạng tương tự.
Vận mệnh của ngành này gắn chặt với giá dầu, trong khi giá dầu đã lao dốc không phanh khi đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu về năng lượng sụt giảm mạnh trong bối cảnh thế giới đang thừa dầu. Kể từ đầu năm đến nay giá dầu thô đã giảm gần 30%, hiện đang được giao dịch ở mức trên 40 USD/thùng. Cùng kỳ, cổ phiếu giảm 41%, Chevron giảm 29%. Cổ phiếu của các công ty cung cấp dịch vụ dầu khí và các công ty khoan dầu đá phiến còn giảm mạnh hơn.
Tháng trước, lần đầu tiên trong hơn 20 năm trở lại đây Exxon công bố lỗ 2 quý liên tiếp. Trên toàn ngành dầu khí, các công ty đồng loạt cắt giảm hàng chục tỷ USD từ ngân sách và sa thải hàng nghìn nhân viên.
Kể cả trước khi đại dịch ập đến thì các công ty dầu khí cũng đã khó có thể thu hút nhà đầu tư vì những lo ngại về các luật lệ chống biến đổi khí hậu cũng như sự nổi lên của năng lượng tái tạo. Exxon cố gắng giữ chân nhà đầu tư bằng cách chi trả cổ tức hậu hĩnh, nhưng nếu nhu cầu tiêu thụ năng lượng không được cải thiện thì rõ ràng điều đó cũng chẳng thể kéo dài.
Tham khảo Wall Street Journal