Hàng loạt siêu thị ở Hà Nội có liên quan đến ca F0 phải tạm đóng cửa, song các hệ thống bán lẻ khẳng định nguồn cung hàng hoá, thực phẩm thiết yếu vẫn đảm bảo. Hoạt động bán hàng online cũng sẽ được đẩy mạnh.
Không chỉ có chợ đầu mối, chợ dân sinh, hàng loạt siêu thị tại Hà Nội cũng phải tạm đóng cửa vì có liên quan đến ca F0. Ngày 1/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) thông báo Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga có nhiều lao động dương tính với Covid-19. Đây là nhà cung cấp thịt cho nhiều hệ thống bán lẻ, trong đó có VinMart/VinMart+ tại Hà Nội.
Chiều 2/8, VinCommerce (đơn vị sở hữu VinMart/VinMart+) xác định có 8 siêu thị VinMart và 15 cửa hàng VinMart+ đã nhận được thông báo của chính quyền địa phương về việc rà soát các F liên quan F0 và tạm thời đóng cửa các siêu thị trên.
Trước đó, ngày 31/7, siêu thịCo.opmart Hà Đông (Hà Nội) thông báo dừng hoạt động để điều tra dịch tễ, khử khuẩn do liên quan ca F0.
Sau khi có thông tin nhiều siêu thị lớn, nhỏ tại Hà Nội tạm đóng cửa vì dịch Covid-19, người dân Thủ đô không khỏi lo lắng vấn đề đảm bảo lương thực thực phẩm khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Dù nhiều siêu thị tại Hà Nội phải tạm đóng cửa nhưng nguồn cung lương thưc, thực phẩm vẫn đảm bảo (ảnh: TL) |
Song, đại diện VinCommerce khẳng định, trong thời gian các siêu thị, cửa hàng nêu trên trên tạm dừng hoạt động, gần 1.000 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ còn lại tại Hà Nội sẽ tăng công suất phục vụ để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.
Ngoài ra, hệ thống bán lẻ này đẩy mạnh dịch vụ "đi chợ hộ" thông qua danh sách số điện thoại của từng siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+, đặt mua hàng hóa qua các ứng dụng điện tửnhư VinID, Lazada... hay đặt hàng online trên website. Khách hàng có thể thanh toán online và chỉ việc nhận hàng, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông, cũng cho biết, siêu thị tạm thời không mở cửa bán hàng trực tiếp, nhưng vẫn bán hàng online.
Ngoài tăng nhân viên phục vụ kênh mua sắm qua điện thoại, siêu thị cũng tiếp nhận đơn hàng qua viber/zalo. Người dân chỉ cần liên hệ với siêu thị thông qua các kênh trên, hàng sẽ giao về tận nhà. Hiện, siêu thị có 3 xe tải đã được cung cấp “luồng xanh”, đảm bảo giao hàng khắp nội thành Hà Nội, bà Dung cho hay.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hệ thống siêu thị BigC cũng áp hàng loạt các hình thức bán hàng trực tuyến như: Ứng dụng GO! & Big C; qua điện thoại; Zalo shop...
Các siêu thị cũng đang đẩy mạnh bán hàng online, giao hàng tận nhà cho khách (ảnh: TL) |
Mới đây, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo doanh nghiệp phân phối, siêu thị,... dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ. Đồng thời, đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại, kể cả bán hàng 24/7 nếu thấy cần thiết.
Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua, các siêu thị cũng đẩy mạnh bán hàng online. Trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, các siêu thị đã cung ứng cho các đơn mua hàng online của người dân tăng gấp từ 2-5 lần so với những ngày trước đó.
Tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện Covid-19” chiều 29/7, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - cho biết, ở Hà Nội, lượng khách đặt mua online lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu tại các hệ thống siêu thị tăng đột biến.
Song, các siêu thị chỉ được duy trì một lượng shipper nhất định để vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân lớn nên thường xuyên chậm đơn hàng, quá tải.
Hà Nội đang cấp cho hệ thống siêu thị lượng shipper giao hàng nhưng vẫn cần phải bổ sung vì quá tải, lượng hàng cần giao đi hàng ngày rất nhiều.
“Trong chuỗi cung ứng, ùn tắc trong các khâu cộng lại dẫn đến tình trạng hàng hóa bị đứt gãy nếu mỗi tỉnh gặp khó. Khi đi giao hàng đã khổ, lúc về lại khổ nữa. Vì vậy, chính quyền địa phương sát sao hơn ở các trạm kiểm soát để vận chuyển qua chốt nhanh hơn”, bà Hậu nói.
Tâm An