Với quyết định này, Facebook đã xóa bỏ công cụ tìm bạn bè hữu ích nhất mà phần lớn người dùng Facebook vẫn sử dụng. Tuy nhiên, đây cũng là cách khiến thông tin người dùng bị rò rỉ nhiều nhất bởi bất cứ đối tượng nào đều có thể sử dụng cách thức này nhằm thu thập thông tin về một cá nhân, bất chấp việc họ có được cho phép hay không.
Tại Việt Nam, việc tìm kiếm thông tin người dùng bằng số điện thoại và địa chỉ email cũng không còn cho ra kết quả như trước đây. Cách duy nhất để tìm một người là đánh chính xác tên tài khoản của họ. Tuy nhiên, việc trùng tên khiến cách thức tìm kiếm này gặp nhiều khó khăn hơn so với phương pháp vừa bị chặn.
Đây là thay đổi mới nhất của Facebook sau hàng loạt những bê bối liên quan tới dữ liệu người dùng thời gian qua. Đầu năm 2018, Facebook cũng đã thay đổi thuật toán nhằm ưu tiên hiển thị trên News Feed những gì mà gia đình và bạn bè của người dùng chia sẻ. Tin tức cũng không còn được hiển thị tràn lan trên Facebook sau những bê bối và chỉ trích về tin tức giả mạo.
Kể từ khi vụ bê bối rò rỉ dữ liệu có liên quan tới Cambridge Analytic bị phanh phui, cổ phiếu Facebook đã tụt mất 16% giá trị, kéo theo nhiều tỷ USD đã bị thổi bay khỏi giá trị vốn hóa của mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Các nhà lập pháp Mỹ và nhiều quốc gia đang kêu gọi tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát thông tin trên mạng xã hội nói riêng và Facebook nói chung nhằm bảo vệ sự riêng tư của người dùng.
Việc tìm kiếm người dùng bằng số điện thoại trên Facebook đã không còn hiển thị bất cứ kết quả nào.
Trong phát biểu mới nhất, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã thừa nhận trách nhiệm đồng thời cho biết 2 tỷ người dùng có thể đã bị xâm phạm bảo mật. Bản thân Zuckerberg cũng phải thừa nhận rằng việc cho phép tìm kiếm người dùng thông qua số điện thoại và thư điện tử đã bị các đối tượng xấu lạm dụng để thu thập trái phép dữ liệu người dùng.
Dữ liệu người dùng là yếu tố quan trọng mang lại cho Facebook hàng tỷ USD doanh thu quảng cáo. Tuy nhiên, Facebook đang ngày càng trở nên khắt khe với nồi cơm của chính mình nhằm đảm bảo sự tồn tại của công ty trong bối cảnh bê bối xảy ra liên tiếp. Bản thân Zuckerberg cũng đề cao trách nhiệm xã hội của công ty đồng thời chấp nhận thay đổi để bảo vệ người dùng.
Trải qua hàng loạt bê bối, Zuckerberg vẫn sẽ là lãnh đạo cao nhất của Facebook. "Cuộc sống là phải học hỏi từ những sai lầm và tìm ra những gì bạn cần làm để tiến lên phía trước", Zuckerberg nhấn mạnh khi nói Hội đồng Quản trị của Facebook không bàn tới việc buộc ông từ chức.