Facebook từ lâu đã hiểu rằng số người đăng ký sử dụng (RU) là tất cả, nhưng người dùng hàng ngày (DAU) còn quan trọng hơn rất nhiều. Đó là bài học mà không mạng xã hội Việt Nam nào áp dụng được, khi RU cao nhưng DAU thấp dẫn đến cái chết từ từ được báo trước.
Vì thế, ngay ở từng thị trường khác nhau, Facebook phải tìm cách tùy biến tính năng để níu chân người dùng càng lâu càng tốt. Với riêng thị trường Việt Nam, Facebook có những nội dung thuần Việt, từ kho game bài dân gian đến các video chất lượng do người dùng sản xuất, cộng với việc các streamer Việt tích cực làm việc trên nền tảng này để giữ chân viewer cả ngày lẫn đêm.
Các dự án hoặc công ty mà Facebook thâu tóm xuyên suốt từ trước tới giờ đều phục vụ mục đích tối thượng này, từ Instagram đến Oculus VR. Và dự án sắp ra mắt Horizon chính là một thứ như vậy, chỉ có điều không ai biết đây là cửa ngõ dẫn tới thiên đường hay một vé vào thẳng nhà tù số, nơi Facebook "giam cầm" những người dùng của mình bất kể thời gian.
Từ thiên đường giải trí...
Qua trailer của Horizon, có thể thấy đây là một game online VR mô phỏng xây dựng cuộc sống. Người chơi sẽ xây dựng một xã hội ảo trong game này và tương tác với người chơi, cũng là người dùng Facebook khác, thông qua thiết bị kính thực tế ảo Oculus VR.
Ngoài yếu tố mô phỏng (simulation), Horizon vẫn sẽ là một game online mang tính giải trí với các game nhỏ hơn tích hợp bên trong theo kiểu góc nhìn thứ nhất (FPV), chạy nhảy giải đố (platformer), đánh golf (sport) và mọi thứ mà người dùng muốn thấy cũng như mọi nơi mà họ muốn đến.
Người dùng có thể chơi mọi trò trong Horizon. |
Sự mạnh mẽ của bộ công cụ trong Horizon gợi nhớ đến những game đang hút khách nhất hiện nay như Minecraft hay trước đó nữa là The Sims và Second Life. Dù chỉ là một game hình khối đơn giản phát hành từ năm 2009, Minecraft hiện vẫn có 126 triệu người chơi hàng tháng, những người vẫn đang bỏ ra hàng giờ rảnh rỗi mỗi ngày chỉ để xây dựng thế giới ảo trong đó. |
Horizon hiện đã kết thúc giai đoạn beta khép kín ở Mỹ và Canada. Từ tuần trước, người dùng trên toàn thế giới đã có thể đăng ký và chờ đến lượt, với yêu cầu phải trang bị kính Oculus VR và tài khoản Horizon.
Khúc mắc lớn nhất hiện nay là giá của chiếc kính thực tế ảo này không hề rẻ, tương đương một chiếc smartphone tầm trung. Tuy vậy, Facebook hoàn toàn có thể giảm giá bán và bù lỗ bằng doanh thu phần mềm từ Horizon.
... đến nhà tù số?
Đích đến của Facebook là chỉ cần ngồi nhà, người dùng cũng có thể tới mọi nơi trên thế giới. Đây là thứ hiển hiện trước mắt khi mà Facebook đã xây dựng sẵn hai khu vực ảo gọi là Venues và Alcove.
Venues, giống như tên gọi của nó, là thế giới nơi người dùng Facebook có thể nghe hòa nhạc, xem các giải đua xe, giải đấu thể thao eSports trực tuyến. Trong khi đó, Alcove là ngôi nhà ảo với đầy đủ tiện nghi hiện đại. Người dùng thậm chí có thể mở TV lên và xem các chương trình trên đó mà không cần dùng TV thật. Xa hơn, người dùng có thể rủ bạn bè đi du lịch đến các địa danh thật được tái dựng lại trong thế giới Horizon.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, lượng người chơi game và xem video liên tục được báo cáo là tăng cao trên mọi nền tảng, đặc biệt là di động. Và nếu có thêm một Horizon, người dùng khó thoát khỏi ma trận giải trí số với những thứ nói trên.
Facebook có thể 'nhốt' hàng tỷ người dùng vào thế giới ảo Horizon. Những người lạc quan có thể nghĩ rằng điều này sẽ khó xảy ra, đặc biệt ở một thị trường game khó tính như Việt Nam. Nhưng họ đồng thời cũng quên rằng Facebook chính là nơi khởi phát ra những trào lưu như bắn phá nhà bạn trong Pirate Kings hồi năm 2015, đổ xô đi bắt thú trong Pokemon Go năm 2016 hay gần nhất là đổi avatar hoạt hình. Vì thế, khi Facebook tự làm chủ cuộc chơi, không có gì có thể làm khó mạng xã hội này lôi kéo người dùng. Vấn đề chỉ là người dùng sẽ coi đây như thiên đường giải trí lúc rảnh rỗi hay trở thành nô lệ xây dựng nội dung miễn phí cho Facebook trong nhà tù số này mà thôi. |