Những người chỉ trích Facebook cho rằng mạng xã hội này đã thất bại trong việc đưa ra những chính sách thỏa đáng với những nội dung sai lệch trên các nền tảng của mình. Kết quả là hàng loạt các nhãn hàng gồm cả Unilever, Coca Cola vừa tuyên bố sẽ ngưng quảng cáo trên nền tảng của họ.
Cụ thể, Unilever nói rằng sẽ không quảng cáo trên Facebook và Twitter cũng như Instagram từ nay tới cuối năm. Trong khi đó, Coca Cola có động thái mạnh tay hơn, cho biết họ sẽ ngưng mọi quảng cáo trên các mạng xã hội trên phạm vi toàn cầu trong vòng 30 ngày. "Coca Cola sẽ tạm dừng mọi quảng cáo trả tiền trên tất cả các nền tảng truyền thông xã hội trên toàn cầu trong ít nhất 30 ngày. Chúng tôi sẽ dành thời gian này để đánh giá lại các chính sách quảng cáo của mình để xác định xem có cần sửa đổi hay không. Chúng tôi cũng mong đợi trách nhiệm giải trình và tính minh bạch cao hơn từ các đối tác truyền thông xã hội", đại diện Coca Cola nói trong tuyên bố.
Một số nhãn hàng lớn khác gồm chi nhánh Honda ở Mỹ, Patagonia và Verizon Communications cũng đưa ra những tuyên bố tương tự. Đến nay đã có trên 100 công ty tham gia vào phong trào "tẩy chay" các mạng xã hội.
Ngay sau những tuyên bố kể trên, cổ phiếu Facebook đã giảm 8,3%, thổi bay 56 tỷ USD vốn hóa thị trường. Tuy nhiên điều lo ngại hơn là các quyết định đó sẽ gây rủi ro nghiêm trọng cho mảng kinh doanh quảng cáo của Facebook.
CEO Facebook là Mark Zuckerberg đã nỗ lực giải quyết những lo ngại quảng cáo trong phiên hỏi đáp trực tuyến với nhân viên vào ngày thứ 6. Anh đã tuyên bố hàng loạt các thay đổi nhỏ đối với hoạt động quảng cáo của công ty và chính sách nội dung. Mark thậm chí còn khẳng định: "Không có bất kỳ ngoại lệ nào đối với các chính trị gia trong bất kỳ chính sách nào mà tôi vừa công bố ngày hôm nay". Tuy nhiên những nỗ lực này dường như là chưa đủ.
Những tổ chức đấu tranh tạo ra làn sóng tẩy chay Facebook nói rằng những thay đổi mà Mark tuyên bố là "quá nhỏ".
"Chúng tôi từng làm việc này với Facebook. Họ cũng đã xin lỗi. Nhưng sau mỗi lần như vậy, họ lại chỉ tiến hành nhưng động thái rất nhỏ. Vì vậy chúng tôi muốn mọi chuyện phải chấm dứt ngay bây giờ".
Các mối đe dọa trong quá khứ của Facebook dường như không thể lớn bằng sự việc lần này - liên quan tới quảng cáo - cỗ máy kiếm tiền của họ. Công ty này chiếm 23% tổng thị trường quảng cáo kỹ thuật số của cả nước Mỹ. Họ cũng thống trị mạng xã hội với hơn 3 tỷ người dùng trên khắp các nền tảng.
Trong nhiều năm, Facebook đã vượt qua nhiều bê bối và mảng kinh doanh vẫn phát triển ổn định. Doanh thu quảng cáo của công ty chứng kiến mức tăng 27% trong năm 2019 lên 69,7 tỷ USD bất chấp các mối đe dọa về quy định, các cuộc gọi tẩy chay quảng cáo trước đây và phong trào người dùng khuyến khích mọi người trên toàn thế giới xóa tài khoản. Nhưng chỉ bốn tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống và giữa lúc diễn ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc về chủng tộc và chính sách trong xã hội, Facebook đang trở thành đối tượng trung tâm chịu nhiều chỉ trích nặng nề.
Trước đó, Facebook cũng đã cảnh báo về việc các nhà quảng cáo có xu hướng chi ít tiền hơn do đại dịch Covid-19. Hiện nhiều doanh nghiệp gặp phải áp lực phải cắt giảm chi phí trong đó có ngân sách quảng cáo do gặp khó khăn bởi dịch bệnh. Chính vì vậy, làn sóng tẩy chay dữ dội lần này được dự báo sẽ gây ra khó khăn chưa từng có với Facebook.
"Rõ ràng Facebook và CEO của họ Mark Zuckerberg không phải đơn thuần sơ suất mà thực tế là tự mãn với những bài đăng thông tin sai lệch", Derrick Johnson - Chủ tịch, CEO một công ty ở Mỹ nhận định.
Vân Đàm
Theo Tổ Quốc/Bloomberg