Sự chuyển biến đã rõ nét
Năm 2018, Việt Nam đã thu hút được hơn 2.700 dự án mới và số vốn thu hút được đã vượt mốc 30 tỷ USD. Trong năm 2018, ghi nhận 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam, trong đó, những đối tác truyền thống vẫn tiếp tục dẫn đầu trong đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất, theo sau đó là Hàn Quốc và Singapore. Bên cạnh đó, danh sách các địa phương dẫn đầu thu hút FDI tiếp tục ghi nhận vị thế của các địa phương trọng điểm.
Trong 59 tỉnh, thành phố có dấu chân của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2018, Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 6,3 tỷ USD. Tiếp theo đó là TPHCM và Hải Phòng. Theo nhận định, thu hút FDI là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Nguồn vốn này không chỉ đóng góp phần lớn vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tiếp tục đóng góp lớn vào thành tựu XK của Việt Nam khi chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch XK và thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2018 hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nhưng nếu so với kết quả thu hút FDI năm 2017, thu hút FDI 2018 đã có sự sụt giảm. Theo đánh giá, sự sụt giảm về số lượng thu hút FDI năm 2018 đã phần nào cho thấy, thu hút FDI bắt đầu có sự chọn lọc và chú trọng hiệu quả, chất lượng, đảm bảo định hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Theo PGS. TS Đinh Trong Thịnh, Học viện Tài chính, thu hút FDI đã chú trọng ưu tiên thu hút các ngành nghề công nghệ cao, công nghệ tương lai, giảm thiểu tối đa dự án gây ô nhiễm như nhiệt điện, sản xuất sắt, thép…
“Chúng ta đã có sự chuyển biến tương đối rõ trong thu hút FDI. Sự chuyển biến này bắt đầu từ cuối 2016, tuy nhiên sự thay đổi này chưa được rõ. Tới cuối năm 2017 và đầu 2018 thì sự chuyển biến này đã rõ nét. Các dự án chủ yếu tăng lên ở lĩnh vực như thành phố thông minh, phát triển công nghệ cao.., là lĩnh vực được khuyến khích, đồng thời đây cũng đang trở thành yêu cầu, đòi hỏi trong cách mạng công nghiệp 4.0”, PGS. TS Đinh Trong Thịnh nói.
Dẫn chứng bằng Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, dù có thể có sự giảm sút về số lượng vốn FDI so với năm trước, nhưng chất lượng thu hút FDI đã được nâng lên tầm cao mới. Đặc biệt, nó phù hợp với định hướng của chúng ta là phát triển công nghệ thông minh, công nghệ cao, tạo ra sự phát triển bền vững cho các ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung.
Hoạt động sản xuất tại Samsung Việt Nam (Ảnh do Samsung cung cấp).
Sẵn sàng từ chối dự án không phù hợp
Một trong những yếu tố cho thấy thu hút FDI đang thiên về chất lượng là việc thu hút FDI vẫn đảm bảo định hướng thu hút nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, chú trọng các dự án công nghệ cao, công nghệ thông minh và không tác động xấu tới môi trường. Theo đó, trong các lĩnh vực thu hút FDI của năm 2018, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN, vốn đầu tư vào lĩnh vực này chiếm tới khoảng 15 tỷ USD, bằng một nửa tổng vốn đầu tư năm 2018.
Điển hình là Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,201 tỷ USD tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Đặc biệt, năm 2018 cũng ghi nhận sự điều chỉnh tăng vốn ở nhiều dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Theo đó, Dự án nhà máy LG Innitek Hải Phòng (Hàn Quốc) chuyên sản xuất mô đun camera điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD. Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) cũng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 500 triệu USD.
Có thể khẳng định, năm 2018 dòng vốn FDI chậm hơn nhưng cũng chất lượng hơn. 2018 cũng là năm Việt Nam tổng kết 30 năm thu hút FDI đồng thời xây dựng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới với định hướng chủ động nhắm đến những dòng vốn chất lượng. Theo đó, thu hút FDI chuyển dần từ ưu đãi, mời chào, sang chọn lọc sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam, coi trọng tính lan tỏa và kết nối với kinh tế nội địa và làm tăng giá trị gia tăng của dòng vốn này.
Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài, thu hút giảm nhưng giải ngân vốn FDI lại tiếp tục tăng so với năm trước, đây là tín hiệu tích cực cho thấy vốn FDI đang tiếp tục phát huy hiệu quả trên thực tế, nguồn vốn FDI đẩy vào sản xuất kinh doanh càng nhiều sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn FDI năm nay đạt gần 17 tỷ USD.
Một tín hiệu nữa cho thấy Việt Nam ngày càng chú trọng chất lượng FDI ở chỗ đã có một số địa phương từ chối các dự án FDI có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Điển hình là việc tỉnh Vĩnh Phúc đã “nói không” với dự án Nhà máy dệt - nhuộm của Tập đoàn TAL có vốn đầu tư lên tới 350 triệu USD. TP.Hải Phòng cũng từ chối một dự án sản xuất giấy với tổng vốn đầu tư lên tới 800 triệu USD. Nhận định về tín hiệu này, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khi chúng ta xem xét, chọn lọc cẩn trọng hơn thì lượng thu hút sẽ ở mức hợp lý.
Đã có bước chuyển về chất ngay từ khâu thu hút, chúng ta đã có chọn lọc, sẵn sàng từ chối những dự án không phù hợp. Điều này cho thấy, chúng ta đã đủ dũng cảm, sự kiên quyết, đây là điều rất đáng ghi nhận. “Đây là một trong những chuyển biến rất rõ, rất mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư từ trung ương đến địa phương cũng như chính quyền các cấp trong việc chọn lựa dự án. Với nhận thức đó, chúng ta sẽ loại bỏ được các dự án không phù hợp với thời kỳ phát triển kinh tế mới, tạo ra bước phát triển cơ bản, với những ngành nghề hữu hiệu tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ mới”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.