Trong 9 tháng của năm nay, không chỉ vốn FDI đăng ký đầu tư giảm, mà lượng vốn FDI giải ngân trên thực tế cũng giảm. Số vốn giải ngân đầu tư FDI đạt 13,76 tỷ USD, tương đương 96,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, có 1.947 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 5.172 dự án góp vốn, mua cổ phần và 798 dự án đăng ký mua thêm.
Xét theo lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về số vốn đầu tư với 9,9 tỷ USD, tương đương 46,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Đứng thứ hai là sản xuất, phân phối điện, khí, nước đạt trên 4,3 tỷ USD, tương đương 20,3% tổng vốn đầu tư. Thứ ba là bất động sản đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tương đương 15,1% tổng vốn đầu tư. Bán buôn, bán lẻ đướng thứ tư với 1,3 tỷ USD, tương đương 6,1% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các lĩnh vực khác.
Xét theo quốc gia và vùng lãnh thổ, có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,77 tỷ USD, tương đương 32% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,17 tỷ USD, tương đương 15% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,87 tỷ USD, chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư.
Singapore tiếp tục là nhà đầu tư số 1. Tuy nhiên, theo ông Ken Atkinson, Nhà sáng lập, Tư vấn cấp cao Hội đồng quản trị Grant Thornton Vietnam, phần lớn các khoản đầu tư thực chất không phải của Singapore, mà là từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư thông qua các tổ chức trung gian hoặc thông qua các tổ chức mà họ thành lập ở Singapore.
"Tôi không nhớ con số cụ thể, nhưng theo AmCham thì phần lớn tỷ lệ đầu tư từ Singapore đều từ Mỹ" - ông Ken cho biết.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tuy dòng vốn FDI vào Việt Nam giảm sút so với cùng kỳ, nhưng xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch thì kết quả thu hút đầu tư này vẫn là tốt hơn nhiều quốc gia khác.