“Muốn thu hút FDI hiệu quả, có tác động lan toả tới nền kinh tế, chúng ta phải đi bằng hai chân. Theo đó, một mặt tạo sự gắn kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, mặt khác nâng cao chất lượng nguồn vốn cũng như hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI”, GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định.
Giấc mơ không của riêng ai
PV: Tổng kết lại chặng đường 30 năm mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đánh giá, Việt Nam là một trong những nước thành công nhất trong khu vực.
Khu vực FDI cũng trở thành thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Qua đây, ông cũng gửi tới các nhà đầu tư FDI trên lãnh thổ Việt Nam lời cảm ơn cùng thông điệp: "Hãy mơ cùng giấc mơ của Việt Nam để trở thành một đất nước thịnh vượng!".
Ông chia sẻ như thế nào về mong muốn nói trên của Bộ trưởng? Theo ông, trong chặng đường 30 năm qua, doanh nghiệp FDI đã đồng hành với giấc mơ Việt Nam như thế nào?
GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
GS.TS Nguyễn Mại: Tôi cho rằng, mơ về một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, không chỉ là giấc mơ của riêng Bộ trưởng Bộ KH-ĐT.
Đó còn là giấc mơ chung của hàng chục triệu người dân, cũng như các doanh nghiệp đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.
Trên thực tế, giấc mơ Việt Nam thịnh vượng đã từng được đề ra từ nhiều năm trước, bắt đầu từ việc khẳng định mục tiêu sớm đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa vào năm 2020. Trong nỗ lực ấy, không thể phủ nhận vai trò cũng như sự đóng góp to lớn của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Riêng năm 2017, Việt Nam đã thu hút được tổng nguồn vốn đầu tư thực là 17,5 tỷ USD, dự kiến năm 2018 – 2020 con số này có thể tăng lên tới 19-20 tỷ USD và điều này không còn quá khó khăn.
Nhìn riêng vào sự tăng trưởng thần kỳ của Samsung cũng cho thấy, việc tham gia của nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực khác nhau trong phát triển kinh tế đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho nhiều địa phương, giúp thay đổi đời sống của hàng triệu lao động trên cả nước.
Chỉ trong 10 năm đầu tư vào Việt Nam, quy mô nguồn vốn của Samsung đã tăng lên nhanh chóng (từ 650 triệu USD năm 2008 lên 13 tỷ USD năm 2018), gấp 20 lần vốn đầu tư ban đầu.
Cũng trong khoảng thời gian đó, kim ngạch xuất khẩu của Samsung cũng tăng lên gấp mấy chục lần (từ vài tỷ USD lên hơn 50 tỷ USD). Lợi nhuận thu được của Samsung trong năm 2017 được công bố trên toàn thế giới đạt 14 tỷ USD, trong đó riêng lợi nhuận tại thị trường Việt Nam đạt 6,2 tỷ USD.
Năng suất lao động của công nhân làm việc tại các nhà máy Samsung Việt Nam cũng được nâng lên đáng kể. Sự tham gia của Samsung chỉ trong thời gian ngắn đã biến Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất smart phone, máy tính bảng, các linh kiện điện tử... và xuất khẩu đi các nước trên thế giới.
Điều quan trọng hơn, khi mở cửa thu hút FDI sẽ góp phần mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, tạo thuận lợi để Việt Nam hội nhập thành công, đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Vì thế, không thể phủ nhận sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong nước có nhiều đóng góp từ việc mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài.
Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam đã làm gia tăng áp lực cạnh tranh, buộc doanh nghiệp trong nước phải đẩy mạnh cải tiến, đổi mới. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước hình thành, lớn mạnh một phần cũng do áp lực cạnh tranh với khu vực FDI.
Nhờ những tác động đó, kinh tế Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng kể. Về tăng trưởng kinh tế, năm 2017 là một năm để lại nhiều dấu ấn, nhiều thành tựu rõ ràng nhất, được dư luận trong nước và cả quốc tế ghi nhận.
Đặc biệt, sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng ngay trong quý I/2018 (đạt 7,38%) đã gây ngạc nhiên với các nền kinh tế khác trong khu vực. Trong một buổi làm việc mới đây, tôi có dịp được tiếp xúc với nhiều lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn của nhiều nước khác nhau.
Tại đây, họ cũng đã dành rất nhiều lời khen ngợi về tốc độ tăng trưởng đặc biệt mà Việt Nam đã đạt được, nhất là thành tựu tăng trưởng trên thị trường chứng khoán.
Về chính trị, Việt Nam vẫn giữ được nền chính trị ổn định, các yêu cầu về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cũng được bảo đảm như lạm phát thấp, thị trường ngoại tệ tăng, đồng tiền Việt Nam ổn định... giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm tiếp tục lựa chọn đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cho thấy đang rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, giảm thủ tục hành chính gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư từ FDI...
Với những tiến triển thuận lợi như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể biến giấc mơ "trở thành một đất nước thịnh vượng" thành hiện thực trong nay mai.
Phải đi bằng hai chân
PV: Thưa ông, dù vậy, cũng không thể không nhìn thẳng vào những mặt trái của thu hút đầu tư FDI đang còn tồn tại.
Ví dụ chính sách ưu đãi tối đa về thuế khiến cho gánh nặng ngân sách vẫn thuộc về doanh nghiệp vừa và nhỏ là chủ yếu; Các ưu đãi chính sách khác khiến cho khối FDI có thể khai thác tối đa lợi ích từ nguồn lực chung của nền kinh tế, đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ vào thế khó hơn; Sức lan tỏa, hỗ trợ của doanh nghiệp FDI vào các nhóm doanh nghiệp khác còn hạn chế...
Thưa ông, những hạn chế này liệu có cơ hội khắc phục không? Nếu không tiếp tục ưu đãi, liệu có thể mong FDI đồng hành cùng giấc mơ Việt?