UNCTAD đánh giá FDI toàn cầu đã "sụp đổ" trong năm 2020, giảm 42% từ 1.500 tỷ USD năm 2019 xuống còn ước tính 859 tỷ USD năm 2020. Báo cáo nhấn mạnh, lần cuối cùng FDI toàn cầu có mức thấp như vậy là vào những năm 1990. Sự sụt giảm này còn thấp hơn tỷ lệ giảm 30% sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 -2009.
Bất chấp những dự báo kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2021, UNCTAD cảnh báo rằng FDI vẫn sẽ tiếp tục suy giảm trong năm nay do những yếu tố không chắc chắn về diễn biến của đại dịch Covid-19.
Dữ liệu cho thấy sự suy giảm này tập trung vào những quốc gia phát triển, nơi các dòng vốn FDI giảm 69% xuống còn khoảng 229 tỷ USD, mức thấp nhất trong 25 năm qua. Sự suy giảm vốn FDI tại các nước đang phát triển là khoảng 12% xuống còn 616 tỷ USD, trong khi Trung Quốc đứng đầu bảng xếp hạng những nước nhận FDI nhiều nhất. Vốn FDI vào Trung Quốc tăng 4% lên mức 163 tỷ USD, đưa quốc gia này trở thành nước nhận FDI nhiều nhất thế giới trong năm 2020.
Nguồn: UNCTAD
Giám đốc đầu tư và doanh nghiệp UNCTAD, ông James Zhan cho biết, FDI toàn cầu có thể phục hồi theo hình chữ U, không giống như thương mại toàn cầu và GDP được dự báo phục hồi theo hình chữ V khi bắt đầu năm 2021.
Ngoài ra, theo ông James, đối với các quốc gia đang phát triển, mặc dù dòng vốn FDI vào các nền kinh tế này có vẻ tương đối ổn định trong năm 2020, song đầu tư vào lĩnh vực xanh lại giảm 46%, tài trợ các dự án quốc tế giảm 7%. Trong khi đó, những loại hình đầu tư này rất quan trọng đối với năng lực sản xuất và phát triển cơ sở hạ tầng, từ đó đảm bảo triển vọng phục hồi bền vững.
Đại diện UNCTAD nhấn mạnh, năng lực hạn chế hơn của các nước đang phát triển trong việc triển khai các gói hỗ trợ kinh tế để kích thích đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ dẫn đến sự phục hồi bất đối xứng của nguồn vốn FDI dựa trên tài chính dự án.
UNCTAD kỳ vọng sang năm 2021, sự gia tăng trong dòng vốn FDI toàn cầu sẽ không phải từ đầu tư mới vào các tài sản sản xuất, mà từ hoạt động M&A xuyên biên giới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe.