Trong 8 tháng đầu năm 2019, đã có sự thay đổi rõ rệt về tỷ trọng dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trong cơ cấu FDI vào Việt Nam. Nhìn chung, FDI Trung Quốc tuy vẫn đừng đầu trong số các quốc gia nhưng đang có xu hướng chậm lại. Vốn từ Nhật Bản đang tăng khá chậm và có xu hướng chững lại trong giai đoạn này.
Và Hàn Quốc, đã nổi lên như một điểm sáng khi FDI vào Việt Nam tăng khá ổn định từ giữa tháng 4 đến nay, tiệm cận với dòng vốn từ Trung Quốc.
Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng, Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất với 1.876,2 triệu USD, chiếm 20,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; theo sát ngay sau đó là Hàn Quốc với 1.721,4 triệu USD, chiếm 18,9% và Nhật Bản 1.184,5 triệu USD, chiếm 13%.
Ngoài ra, Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) cũng đầu tư vào Việt Nam 1.109,6 triệu USD, chiếm 12,2%; Singapore 1.034,4 triệu USD, chiếm 11,3%; Thái Lan 438,3 triệu USD, chiếm 4,8%; Đài Loan 374,1 triệu USD, chiếm 4,1%; Quần đảo Vigin thuộc Anh 341,4 triệu USD, chiếm 3,7%.
Theo Cơ quan Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Việt Nam đã từng trải qua 3 làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Tiên phong chính là các tập đoàn xây dựng như Posco và Daewoo. Sau đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc trong lĩnh vực quần áo và dệt may đã đến Việt Nam trong làn sóng thứ hai.
Và trong làn sóng thứ ba, Việt Nam đón nhận dòng vốn đầu tư lớn tập trung vào lĩnh vực điện tử và hàng tiêu dùng với sự hiện diện tiêu biểu của Samsung - doanh nghiệp đóng góp một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018. Trong tháng 8 vừa qua, nhóm mặt hàng điện thoại và linh kiện xuất khẩu tăng 37,8%, theo Tổng cục Thống kê, chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Galaxy Note 10.
Ông Eun-Young Jung - CEO ngân hàng HSBC Hàn Quốc cho biết, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc, đặc biệt là nhờ “Chính sách phương Nam mới” (New Southern Policy) nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN.