Đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trên khắp thế giới tăng vọt trong 6 tháng đầu năm 2021 khi mà các nền kinh tế giàu có hồi phục mạnh từ tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên những kỳ vọng vào ngành sản xuất đi xuống dù rằng xuất hiện ngày một nhiều dấu hiệu cho thấy rằng năng lực sản xuất hiện đang không đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo Liên hợp quốc công bố vào ngày thứ Hai, tổng giá trị đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp trên toàn cầu được ước tính khoảng 852 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, tăng 373 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, 3/4 trong số tiền trên dành cho các nước giàu khi mà các doanh nghiệp ứng phó với triển vọng phục hồi nhanh khi vaccine COVID-19 phát huy hiệu quả tích cực.
UN nhận xét quá trình phục hồi của FDI toàn cầu mạnh hơn so với kỳ vọng dù rằng không cân đối giữa các vùng, khu vực. Trong khi FDI tại các nước giàu tăng gấp đôi so với nửa đầu năm 2020, đầu tư vào Mỹ tăng 88%, trong khi đó, các doanh nghiệp giảm 9% đầu tư vào nhóm nước nghèo nhất thế giới.
Diễn biến trái chiều đó phản ánh cho triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay khi mà các nước nghèo nhiều khả năng sẽ đương đầu với triển vọng kinh tế yếu kém bởi họ khó tiếp cận vaccine COVID-19. Đầu tư nước ngoài vào khu vực Đông và Đông Nam Á, vốn áp đảo bởi Trung Quốc và các nước này có khả năng tiếp cận với vaccine COVID-19 tốt hơn nhóm các nước nghèo, tăng 25%.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg của Đức, ông Holger Schmieding, nhận xét: “Đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều sức ép lên tăng trưởng kinh tế của nhóm nước phát triển. Nếu không có cú sốc nào mới, chúng tôi cho rằng châu Âu và Mỹ có thể vượt qua mùa thu và mùa đông mà không cần phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa”.
Trong những năm trước đại dịch COVID-19, nhóm các nước đang phát triển chiếm tỷ lệ FDI tăng dần. Tuy nhiên, năm 2021 nhiều khả năng đã khác biệt, bởi FDI vào các nước giàu giảm đáng kể trong năm 2020.
UN dự báo nhiều khả năng đầu tư nước ngoài trong năm nay trên toàn cầu sẽ vượt mức trước đại dịch COVID-19. Cơ quan này đã từng dự báo khả năng này sẽ xảy ra trong năm 2022 hoặc sau đó nữa.
Căng thẳng chính trị đã làm suy giảm đầu tư vào ngành công nghệ hai chiều Mỹ - Trung Quốc, chính phủ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cố gắng tách rời chuỗi cung ứng của họ, theo một báo cáo gần đây.
Theo Nikkei dẫn số liệu nghiên cứu từ tổ chức Bain, từ năm 2016 đến năm 2020, tổng đầu tư trực tiếp giữa hai nước giảm 75% xuống còn 16 tỷ USD từ mức 62 tỷ USD, trong đó riêng đầu tư ngành công nghệ giảm đến 96%.
Đầu tư từ Trung Quốc sang Mỹ giảm sâu hơn so với chiều ngược lại, chủ yếu do việc Washington siết chặt kiểm soát với doanh nghiệp Trung Quốc, điều này tạo ra nhiều bất ổn chính trị cho các doanh nghiệp, chuyên gia tại Bain & Co – bà Anne Hoeker cho hay.
Chuyên gia chuyên nghiên cứu về ngành công nghệ và bán dẫn nhận xét: “Môi trường kinh doanh Mỹ đối với các công ty Trung Quốc giờ đây không còn an toàn như trước đây, chính vì vậy, phía Trung Quốc chuyển hướng đầu từ sang châu Âu và châu Phi”.
Tổng đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ năm 2020 giảm xuống còn 7,2 tỷ USD từ mức 48,5 tỷ USD vào năm 2016. Đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc giảm 35% xuống còn 8,69 tỷ USD trong cùng thời gian trên. Mức suy giảm của đầu tư trong ngành công nghệ, bất động sản và y tế suy giảm sâu nhất, dữ liệu của trung tâm đầu tư Mỹ - Trung Quốc cho hay.
Một số nền kinh tế lớn trên thế giới đang đầu tư nhiều hơn vào công nghệ của riêng họ và tăng cường sự độc lập trong chuỗi cung ứng, bà Hoeker cho biết. Cách đây chỉ vài năm, đây không phải là vấn đề chính với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ bởi khi ấy họ chỉ quan tâm đến việc làm sao để tiếp cận được với thị trường Trung Quốc.