Luỹ kế nửa đầu năm 2018, Việt Nam có khoảng 17.500 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 331,2 tỷ USD. Vốn giải ngân luỹ kế khoảng 180,7 tỷ USD.
Tính theo tỷ lệ phần trăm GDP hay theo đầu người, vốn FDI vào Việt Nam đã vượt Trung Quốc, Ấn Độ và phần lớn các nước ASEAN. Tuy nhiên, dòng vốn này có thể bị tác động ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, theo nhận định của TS. Nguyễn Minh Phong, đăng tải gần đây trên báo chí.
Giống hầu hết các nhận định của các chuyên gia, ông Phong cho rằng cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới rất khó đoán định.
Cả hai bên, ông Phong phân tích, trong trạng thái vừa đánh vừa đàm phán, lấy lợi ích quốc gia của mình là mục tiêu tối thượng. Cuộc chiến này chưa rõ hồi kết nhưng hệ luỵ rất đa dạng, đa chiều, dần dần ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Bình luận sâu về tác động đến tiền tệ, ông Phong cho biết sức ép tăng lãi suất đồng USD của Mỹ và giảm giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ cùng hợp lực làm tăng sức ép lên tỷ giá VND.
Sức ép giảm giá VND (tăng tỷ giá đối với đồng USD) sẽ gia tăng cùng chiều với sự gia tăng nhập siêu và khan hiếm ngoại tệ, cũng như quy mô dòng chảy ngược USD ra ngoài biên giới trước sức hút chênh lệch lãi suất huy động đồng USD của Việt Nam, hiện bằng 0% và chưa có dấu hiệu tăng, với Mỹ là từ 1,75-2% và sẽ tiếp tục tăng chậm.
Theo ông, nếu kéo dài xu hướng ổn định tỷ giá, tức làm tăng giá trị danh nghĩa VND, sự bất lợi về xuất khẩu của hàng Việt sẽ đậm nét hơn và sức cản thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng sẽ lớn dần lên. Điều này đồng nghĩa với khả năng thu hẹp sản xuất và xuất khẩu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, vì bị thiệt hại về tỷ giá khi đầu tư vào Việt Nam.
Mặt khác, nếu buộc phải tăng tỷ giá, tức giảm giá VND, để tăng thu hút FDI, thì áp lực lạm phát trong nước sẽ là thách thức lớn nhất của nửa cuối năm 2018, trong bối cảnh sức ép lạm phát chi phí đẩy và lạm phát tiền tệ trong nước giữ nguyên, thậm chí còn tiếp tục gia tăng cùng quá trình tăng tốc tự chủ tài chính và thị trường hóa cộng đồng đông đảo các đơn vị sự nghiệp công trong nước theo lộ trình đã định.
Chính vì vậy, cuộc chiến này, nếu kéo dài, ông Phong cho rằng có thể làm xuất hiện những đảo chiều hoặc bẻ ghi dòng FDI trong khu vực và thế giới theo hướng né các thị trường đang chịu mức thuế cao, dồn tụ vào các nước ít có có nguy cơ áp thuế - bảo hộ nhiều hơn.
Do đó, ông Phong cho rằng một mặt cần bám sát động thái của cuộc chiến thương mại, một mặt tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, chuẩn bị kỹ các kịch bản tình huống, tăng năng lực phản ứng chính sách và phản ứng thị trường, linh hoạt các giải pháp ứng phó cần thiết để hạn chế tác động tiêu cực của cuộc chiến thuơng mại Mỹ - Trung, duy trì động lực cho phát triển kinh tế Việt Nam từ khu vực doanh nghiệp FDI.