FEBE (For Entrepreneurs, By Entrepreneurs) có trụ sở tại Singapore đã công bố quỹ đầu tư 25 triệu USD tập trung vào đầu tư vào Việt Nam và các công ty khởi nghiệp xuyên biên giới.
KrAsia đánh giá, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam được coi là một trong những điểm đến nóng nhất cho các nhà đầu tư và khởi nghiệp công nghệ, với tầng lớp trung lưu mới nổi, tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số nhanh và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Việt Nam chỉ đứng thứ hai sau Indonesia về số tiền đầu tư đổ vào các công ty khởi nghiệp.
Ngoài ra, với quy mô dân số lớn, tăng trưởng GDP 6-7% hàng năm, tăng trưởng kinh tế số trên 20,5% mỗi năm, Việt Nam cũng trở thành môi trường hấp dẫn cho các quỹ đầu tư.
Theo báo cáo mới nhất của Google-Temasek-Bain, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến sẽ chạm ngưỡng 43 tỷ USD vào năm 2025.
Dòng vốn đầu tư quốc tế cũng đã đổ rất nhiều vào Việt Nam, với một số lượng kỷ lục được bơm vào các công ty như Sendo (thương mại điện tử), VNPay (thanh toán) và Scommerce (hậu cần). Tổng vốn đầu tư vào startup Việt được dự đoán sẽ lên tới 800 triệu USD vào cuối năm 2019, theo báo cáo của Cento Ventures và ESP Capital có trụ sở tại Singapore.
"Chúng tôi tin rằng Việt Nam là một nơi tuyệt vời để đầu tư vào những nhà sáng lập xuất sắc đang bắt đầu hành trình khởi nghiệp và hỗ trợ họ trở thành nhà vô địch trong khu vực", ông Eric Merlin, đồng sáng lập của FEBE Ventures cho biết.
Được thành lập vào đầu năm nay, VC này đang tìm cách hỗ trợ những công ty muốn trở thành startup hàng đầu khu vực, đặc biệt là các startup Đông Nam Á muốn thâm nhập thị trường Việt Nam và các nhà sáng lập ở Việt Nam muốn mở rộng ra thị trường khu vực, ông Olivier Raussin, một nhà đồng sáng lập khác của FEBE chia sẻ.
FEBE Ventures đầu tư vào tất cả các ngành nghề và loại hình doanh nghiệp (B2B, B2C, giáo dục, y tế, vận tải, tài chính, tiêu dùng), và thường đầu tư vào các startup có tiềm năng tăng trưởng lớn và có thể sớm chiếm lĩnh thị trường.
Về giai đoạn đầu tư, quỹ FEBE tập trung vào các giai đoạn đầu như giai đoạn ý tưởng, xây dựng sản phẩm, hoặc giai đoạn hạt giống (“angel”, “pre-seed”, “seed”). Mặc dù tập trung vào các vòng gọi vốn đầu đầu, quỹ cũng có thể tham gia vào các vòng gọi vốn sau như pre-series A hoặc series A.