Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại năm 2021 với mức tăng trưởng gần 36%. Một trong những động lực thúc đẩy đà tăng trưởng là chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của các ngân hàng trung ương.
Sang năm 2022, động thái cắt giảm chính sách nới lỏng tiền tệ và dự kiến sớm tăng lãi suất của Fed đã dấy lên những lo ngại về tác động tiêu cực đối với thị trường chứng khoán. Bàn về vấn đề này, các chuyên gia đã có những chia sẻ tại buổi Talk với chủ đề "Vững vàng đi lên: Cơ hội thị trường khi kinh tế hồi phục" của CTCP Chứng khoán MB (MBS).
Theo ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS, quan điểm vĩ mô năm 2022 sẽ gói gọn trong 3 chữ "bình thường hóa". Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng có một yếu tố vĩ mô cần lưu ý là năm 2021 thị trường tăng trưởng nhờ những chính sách nới lỏng của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, sang đến năm 2022 khi bối cảnh nền kinh tế đã trở lại bình thường, ngân hàng trung ương đã bắt đầu cắt giảm chính sách nới lỏng tiền tệ và có những động thái về việc sớm tăng lãi suất.
"Thị trường chứng khoán đang phản ánh kỳ vọng Fed tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022. Tuy nhiên, nếu quá trình được đẩy nhanh có thể sẽ gây những áp lực và tạo nên cú sốc bất ngờ với thị trường chứng khoán", ông Hoàng Công Tuấn đánh giá.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ phải đi lên bằng nội lực thực sự của các doanh nghiệp. Theo dự báo, các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng trở lại sau khi chịu áp lực suy giảm bởi dịch Covid-19. Từ những yếu tố trên, vị chuyên gia cho rằng năm 2022 vẫn là một năm khởi sắc của thị trường chứng khoán, song sẽ có sự chọn lọc hơn rất nhiều.
Theo nghiên cứu của ông Lã Giang Trung – CEO Passion Investment, yếu tố dòng tiền từ Ngân hàng Trung ương thường tác động mạnh đến thị trường chứng khoán. Theo đó, việc Fed tăng lãi suất có thể tác động đến giá chứng khoán bởi khi tăng cung tiền, giảm lãi suất thì thị trường đi lên. Ngược lại, khi giảm cung tiền tăng lãi suất cũng sẽ tác động đến thị trường, song tác động đến ngưỡng nào khiến thị trường đi xuống là vấn đề cần nhìn nhận.
"Động thái tăng lãi suất của Fed chắc chắn tác động đến chứng khoán, tuy nhiên từng giai đoạn sẽ có mức ảnh hưởng khác nhau. Trong giai đoạn đầu tăng lãi suất, thị trường chứng khoán có xu hướng đi ngang hoặc tăng rất nhẹ. Tiếp đến là giai đoạn nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, đến ngưỡng việc tăng lãi suất không ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp thì sẽ là lúc chứng khoán bùng nổ. Giai đoạn cuối của chu kỳ, Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất và đó có thể là điểm đổ vỡ của thị trường chứng khoán", CEO Passion Investment nêu nhận định.
Nhìn nhận trên một góc độ khác, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu Khách hàng cá nhân MBS cho rằng chính sách tăng lãi suất Fed sẽ không tác động quá nhiều đến chứng khoán Việt Nam, mà động lực tăng trưởng chính sẽ đến từ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2022. Bên cạnh đó, lịch sử cho thấy sau khi Fed tăng lãi suất thị trường đều tăng điểm trong 3 – 6 tháng sau đó.
Đáng chú ý, theo thống kê lịch sử điều chỉnh lãi suất của Fed từ năm 1989 đến nay, thị trường thường phản ứng tiêu cực với các lần hạ lãi suất khẩn cấp (0,5% trở lên) và đều gắn liền với các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế như suy thoái hay khủng hoảng. Theo đó, mỗi lần Fed dự báo tăng lãi suất (từ 0,25%-0,5%) thì xu hướng của thị trường chứng khoán lại đi lên, ngược lại khi Fed giảm lãi suất, thị trường lại thường giảm điểm.
Như vậy, trong những lần tăng lãi suất đầu tiên, thị trường sẽ có những nhịp rung lắc. Tuy nhiên, sau những đợt tăng lãi suất tiếp theo thị trường có thể sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại.