Đêm ngày 3/3/2020 (giờ Việt Nam), Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bất ngờ cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản về mức 1,0-1,25%, mà không cần chờ tới cuộc họp chính thức ngày 17-18/3. Nguyên nhân chính được Fed đưa ra là do lo ngại tác động tiêu cực của dịch Covid-19 do virus corona đến kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Nhìn nhận về động thái này, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết chứng khoán Phố Wall giảm liên tục do nỗi lo tác động xấu từ dịch Covid-19. Đồng thời, các doanh nghiệp lớn của Mỹ, đặc biệt là các tập đoàn thiết bị công nghệ lớn như Apple cũng đã đánh giá tác động xấu từ dịch Covid-19 do virus corona tới cả cung – cầu buộc Fed phải thực hiện cắt giảm lãi suất khẩn cấp.
Với việc Fed cắt giảm lãi suất khẩn cấp, theo ông Thành, động thái này nằm trong kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, thị trường vẫn thấy bất ngờ bởi quyết định của Fed ngay lập tức cắt giảm lãi suất trong đêm qua (giờ Việt Nam) mà không đợi tới kỳ họp cuối tháng 3 này.
"Thị trường vẫn tiếp tục việc kỳ vọng đây không chỉ là phản ứng 1 lần (cắt giảm lãi suất 1 lần) của Fed dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 do virus corona. Với việc cắt giảm lãi suất này, nhiều Ngân hàng Trung ương của các quốc gia khác cũng sẽ xem xét tạo ra 1 sự phối hợp toàn cầu về nới lỏng chính sách hỗ trợ kinh tế trước tác động của Covid- 19", ông Thành nêu quan điểm.
Trước động thái cắt giảm mạnh lãi suất của Fed, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho rằng nếu thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ vào thời điểm này có thể hiệu quả sẽ không cao.
Ông Hùng phân tích: Trước đây chỉ Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 do virus corona, nhưng đến nay dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp tại mấy nhiều nước kể cả như Hàn Quốc, Nhật Bản… dẫn tới việc, các quốc gia này sẽ hạn chế hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu. Do đó, với Việt Nam dù chống dịch tốt nhưng xuất khẩu cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Chưa kể, nguồn nguyên liệu để sản xuất của Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Đây cũng là bài toán đặt ra cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Cuối cùng, hoạt động sản xuất trong nước với nguồn nguyên liệu trong nước mang tính chất tự sản tự tiêu và một phần nhỏ xuất khẩu (nếu có). Như vậy, với các yếu tố trên, nếu như nới lỏng tiền tệ, người dân, doanh nghiệp cũng không vay vốn.
"Chính sách của thế giới là một việc, còn với Việt Nam vẫn cần phải xem xét trong bối cảnh cụ thể của mình. Bây giờ nếu thấy các nước nới lỏng tiền tệ, Việt Nam cũng làm có thể dẫn tới việc bơm vốn vào những lĩnh vực sản xuất không tạo hiệu quả cao hoặc xảy ra tình trạng tập trung mạnh một lĩnh vực nào đấy, từ đó sẽ gây ra nợ xấu", ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, nhãn tiền có thể thấy Covid-19 do virus corona đã có những tác động tới kinh tế trong nước, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Trong đó một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như: nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…
Thế nhưng, ngành ngân hàng cũng đã có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ Covid-19 do virus corona và bước đầu ghi nhận các TCTD hỗ trợ cho trên 44 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 222 nghìn tỷ đồng thông qua các biện pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng... chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại từ Covid-19 do virus corona.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng đang xây dựng chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng giá trị là 250 – 275 nghìn tỷ đồng và mức lãi suất thấp hơn từ 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường tùy vào năng lực của từng ngân hàng, đối tượng khách hàng.
"Đây không phải là gói hỗ trợ, gói kích thích kinh tế mà chỉ là chương trình hỗ trợ của các ngân hàng muốn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, không dùng nguồn ngân sách", ông Hùng thông tin thêm.
Theo quan điểm của vị đại diện Ngân hàng Nhà nước này, đẩy mạnh đầu tư công là giải pháp có hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam mà không nhất thiết phải giảm lãi suất nới lỏng chính sách tiền tệ. Đẩy mạnh đầu tư công vừa tạo công ăn việc làm cho người dân, vẫn duy trì được tăng trưởng mà hạn chế được lạm phát.