Kết thúc cuộc họp định kỳ ngày 19/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( Fed ) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD. Điểm được thị trường chú ý và kỳ vọng hơn, Fed đã phát tín hiệu mới, sẵn sàng có đợt giảm lãi suất đầu tiên sau 11 năm, kể từ năm 2008.
Ngày 21/6, Chủ tịch Fed khu vực Minneapolis, ông Neel Kashkari hướng thêm kỳ vọng đang có trên thị trường, với khuyến nghị Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) cần giảm lãi suất với mức 50 điểm cơ bản.
Trước và sau kỳ họp của Fed, tại Việt Nam, diễn biến tỷ giá USD/VND cũng có phần hấp thụ kỳ vọng này, bên cạnh dấu hiệu tăng cung ngoại tệ nhiều lên trên thị trường như BizLIVE phản ánh ở bài viết gần đây .
Khi trao đổi với BizLIVE, một số chuyên gia cũng nhận định, tín hiệu mới của Fed đã được thị trường dự đoán trước, phản ánh nhất định vào các giá cả liên quan. Mặt khác, nó cũng làm mềm hóa một số áp lực đối với tỷ giá USD/VND.
Gần gũi nhất, diễn biến của đồng Nhân dân tệ đang có hướng đảo chiều.
Chưa đầy một tháng trước, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc leo lên nấc thang mới, đã có những tính toán thận trọng trong giới chuyên gia lường đến khả năng tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ với đồng USD sẽ vượt trên mốc 7, như một phản ứng sau khi Mỹ gia tăng thuế suất. Và khi đó, mức thực tế từng đến 6,93, tức phải cần 6,93 đồng Nhân dân tệ để đổi 1 USD.
Nhưng khoảng một tuần trở lại đây, kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất đặt ra đậm đặc trong các dòng chảy thông tin, đồng Nhân dân tệ cũng đã lên giá trở lại và hiện quanh mức 6,87. Hay ít nhất, nó lùi xa hơn mốc 7 nói trên.
Sau quãng phá giá mạnh cùng kỳ năm trước, hoặc xa hơn với cao điểm 3 ngày 3 lần phá giá liên tiếp hồi tháng 8/2015, diễn biến của đồng Nhân dân tệ được xem là một trong những yếu tố lớn khi xét đến áp lực đối với tỷ giá USD/VND, thậm chí có góc nhìn xem đây như “một yếu tố ám ảnh”. Hiện tại, như trên, áp lực này đang dịu bớt.
Hay với chính đồng USD. Cuối tháng 5 vừa qua, chỉ số USD Index từng vượt trên mốc 98. Đến cuối tuần này, đặc biệt sau tín hiệu của Fed, chỉ số này liên tục giảm và về gần mốc 96.
Nằm trong bối cảnh trên, tỷ giá USD/VND cũng có hướng điều chỉnh trong hai tuần gần đây. Từ mốc 23.460 VND đổi 1 USD theo giá bán ra của các ngân hàng thương mại sau đợt tăng mạnh trong tháng 5 đến đầu tháng 6, mức quy đổi đến cuối tuần này chỉ còn quanh 23.350 VND, tức giảm hơn 100 VND.
Cũng gần một tháng trước, khi các dữ liệu kinh tế tháng 5 được công bố, quan ngại nhập siêu khá lớn cũng là một trong những yếu tố nội tại của Việt Nam gây áp lực đến tỷ giá USD/VND. Nhưng, như BizLIVE đề cập vừa qua, đặc điểm những năm gần đây cho thấy, tháng 5 thường là tháng có nhập siêu đáng chú ý nhất trong năm.
Và cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong kỳ 1 của tháng 6 này, Việt Nam đã trở lại xuất siêu đáng kể; cán cân thương mại theo đó tiếp tục có thặng dư.
Còn trong cân đối chênh lệch lãi suất VND với USD trên thị trường liên ngân hàng, tuần này tiếp tục ghi nhận Ngân hàng Nhà nước đều tay cân đối lượng “bơm - hút” nguồn VND qua kênh phát hành tín phiếu; mức độ hút về từ 13.000 - 15.000 tỷ đồng mỗi ngày giao dịch đã trở nên quen thuộc, và lượng tín phiếu lưu hành vẫn ở mức khá cao (quanh 70.000 tỷ đồng, phản ánh lượng tiền hút bớt về tại một thời điểm).
Qua hoạt động cân đối nguồn đó, chênh lệch lãi suất VND với USD trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục ổn định trong tuần này; như qua đêm, lãi suất VND vẫn chớm trên 3%/năm, lãi suất USD ổn định 2,51%/năm.
Ở một diễn biến khác, tuần này thị trường chứng kiến cú bứt phá mạnh của giá vàng thế giới và trong nước. Mức đỉnh trong nhiều năm trước được tái lập.
Nếu như trước đây, giá vàng tạo sóng có thể tác động đến tỷ giá USD/VND (với giải pháp can thiệp quen thuộc là cấp hạn mức và xuất ngoại tệ để nhập vàng về bình ổn, tạo cầu ngoại tệ gây sức ép tỷ giá), thì nay áp lực đó hiện vẫn chưa có dấu hiệu xẩy ra.