Đúng như dự báo, kết thúc phiên họp kéo dài hai ngày đêm qua (giờ Việt Nam), Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản đồng USD, đồng thời Fed cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2018.
Phát biểu về lý do nâng lãi suất, chủ tịch Fed, bà Janet Yellen, cho biết, những diễn biến mới nhất cho thấy thị trường lao động vẫn tăng trưởng tốt, tỷ lệ tạo việc làm mới ổn định, người lao động có nhiều cơ hội việc làm và mức lương cải thiện.
Theo đó, Fed nâng lãi suất cơ bản đồng USD lên mức 1,5% từ mức 1,25% hiện nay. Fed cũng thông báo sẽ thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán mỗi tháng 20 tỷ USD bắt đầu từ tháng 1/2018 từ mức 10 tỷ USD/tháng hiện tại.
"Vẫn trong tầm kiểm soát"
Ngay sau khi Fed công bố quyết định, đồng USD giảm khá mạnh so với các đồng tiền mạnh khác. Chỉ số ICE U.S. Dollar giảm 0,7% xuống 93,437 điểm trong khi chỉ số WSJ U.S. Dollar cũng giảm 0,7% xuống 86,78 điểm.
Trong khi đó, tại Việt Nam, tỷ giá trung tâm cũng được điều chỉnh khá mạnh sau nhiều phiên “lặng sóng”.
Theo đó, tỷ giá trung tâm sáng nay ở mức 22.443 đồng, giảm 7 đồng so với sáng qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 23.116 đồng và tỷ giá sàn là 21.770 đồng.
Trong khi đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại sáng nay tiếp tục không có nhiều biến động, vẫn được mua bán quanh ngưỡng 22.680-22.750 đồng.
Trước mắt, có thể thấy quyết định từ bên kia bán cầu không có nhiều ảnh hưởng tới tình hình tỷ giá trong nước. Vậy về lâu dài thì sẽ ra sao?
Trao đổi với phóng viên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc Fed tăng lãi suất hoàn toàn không phải là một điều bất ngờ.
“Kinh tế Mỹ năm 2017 tăng trưởng khá ấn tượng, dự báo khoảng 2,2%, cao hơn nhiều so với năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong 10 năm vừa qua, khoảng 4,2% trong khi tình hình kinh tế thế giới 2017 cũng hồi phục tốt. Như vậy là đủ điều kiện để Fed có thể tăng lãi suất”, TS. Lực nói.
Liên quan đến những tác động của quyết định từ bên kia bán cầu lên tỷ giá trong nước, chuyên gia cho rằng, việc Fed tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến tiền đồng nhưng tác động là không lớn.
“Việc Fed tăng lãi suất đã được các doanh nghiệp, các định chế tài chính dự báo, dự phòng từ trước và tất cả đã được tính trong chi phí, tỷ giá, lãi suất”, ông Lực nói.
Về quan hệ cung cầu, chuyên gia cho rằng, tình trạng ngoại tệ của Việt Nam trong 2017 cũng như 2018 khá dồi dào. Theo con số mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt 46 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Trong khi đó, lượng kiều hối chảy về cũng rất tích cực. Theo số liệu từ Ngân hàng thế giới, lượng kiều hối năm nay tăng khoảng 16% so với năm 2016, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Ước tính lược kiều hối năm nay sẽ đạt 13,8 tỷ USD, so với mức 11,5 tỷ USD trong năm 2016.
Bên cạnh đó, NHNN vẫn cho thấy thái độ kiên định trong lộ trình chống đô la hoá, hạn chế vay mượn bằng ngoại tệ, Chính phủ cũng chuẩn bị ban hành, phê duyệt chiến lược đề án hạn chế đô la hoá trong thời gian tới.
Đồng thời, giá vàng ổn định trong 3 năm vừa qua cũng là một yếu tố tác động tích cực lên tỷ giá. Theo đó, chuyên gia cho rằng, tỷ giá trong nước có thể sẽ bị tác động nhưng không nhiều và vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Tỷ giá sẽ tăng lên 23.000 USD/VND năm 2019?
Tính tới thời điểm hiện tại, tỷ giá USD/VND tại các NHTM và trên thị trường tự do ổn định so với tháng trước và tiếp tục xu hướng giảm so với đầu năm trong khi tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, tính đến ngày 14/12/2017, tỷ giá trung tâm đã tăng 1,29% so với đầu năm, trong khi tỷ giá tại NHTM lại giảm 0,18% còn tỷ giá thị trường tự do giảm khoảng 1,45% so với đầu năm.
Trong khi đó, trong một báo cáo mới ra, ngân hàng ANZ cho rằng, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nguồn kiều hối và thặng dư thương mại, NHNN cam kết sẽ chủ động giữ tỷ giá ổn định. Tuy nhiên, ANZ cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ tăng nhẹ trong những năm tới.
Theo dự báo của ANZ, tỷ giá USD/VND cuối năm 2018 ở mức 22.900 đồng và tháng 6/2019 ở mức 23.000 đồng.