Người quản lý tài sản lớn nhất thế giới gần như chẳng kiếm chác được gì từ Cục dữ trữ liên bang (Fed). BlackRock, công ty được Fed thuê trong tuần này để giúp quản lý việc mua trái phiếu trị giá hàng tỷ đô la, sẽ kiếm được khoản phí tương đối khiêm tốn cho công việc của mình, theo một hợp đồng được đăng hôm thứ Sáu.
Công ty quản lý gần 7 nghìn tỷ đô la tài sản này sẽ kiếm được không quá 7,75 triệu đô la mỗi năm cho danh mục trái phiếu chính mà họ sẽ quản lý. Họ cũng sẽ bị cấm thu phí từ việc bán các chứng chỉ ETF được hỗ trợ bằng trái phiếu, một phân khúc của thị trường mà họ đang thống trị.
Hợp đồng giữa đôi bên được công khai và đăng trên trang web của Cục Dự trữ Liên bang Newyork chỉ vài ngày sau khi Fed tuyên bố đã thuê doanh nghiệp tư vấn của BlackRock để điều hành ba chương trình nhằm ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bị phá hủy bởi sự sụp đổ kinh tế trong thời đại dịch. Hợp đồng cho hai chương trình khác chưa được phát hành.
Việc tiết lộ các điều khoản thỏa thuận là một sự tương phản rõ ràng với cách thức bí mật mà một thỏa thuận tương tự đã được xử lý trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi BlackRock và một vài công ty khác được thuê để quản lý và tư vấn về các chương trình nhằm ổn định thị trường. Những hợp đồng đó đã không được công khai trong nhiều tháng sau đó và trong một số trường hợp, các khoản phí phải trả cho các công ty đó không bao giờ được tiết lộ.
Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang New York đã giữ lại BlackRock để giúp giám sát hàng tỷ đô la trong tài sản "còm cõi" còn sót lại sau sự sụp đổ của Bear Stearns và American International Group. BlackRock đã giúp định giá và bán các tài sản đó cho chính phủ đồng thời họ đang giúp các khách hàng tư nhân mua các tài sản tương tự, điều này đã khiến các nhà lập pháp và những người khác lo lắng về sự hợp tác giữa Phố Wall và Washington.
Lần này, các điều khoản rõ ràng hơn. BlackRock sẽ chỉ kiếm được hai xu cho mỗi khoản 100 USD trái phiếu được bán ra, nhưng phí hàng quý cho các giao dịch mua thêm sẽ giảm khi danh mục đầu tư tăng hơn 20 tỷ đô la. Khi danh mục đầu tư vượt quá 50 tỷ đô la, BlackRock sẽ chẳng kiếm thêm được đồng phí nào để quản lý các giao dịch mua trái phiếu thặng dư đó.
Hợp đồng cũng yêu cầu BlackRock để duy trì và thực thi các chính sách và quy trình của toàn công ty, cung cấp các rào cản thông tin và giải quyết các xung đột lợi ích tiềm năng.
Ngân hàng trung ương cũng đặt ra các điều khoản cấm BlackRock, thu phí từ việc kinh doanh các ETF được bảo đảm bởi trái phiếu. Trước đó, BlackRock là một trong những phát hành ETF lớn nhất thế giới và hiển nhiên được hưởng lợi từ các chương trình của Fed để mua các ETF được đảm bảo bởi trái phiếu doanh nghiệp.
Bảng điều khoản được đăng bởi Fed New York cũng cho biết, Black BlackRock sẽ không kiếm được bất kỳ khoản phí hay thu nhập nào khác, kể cả từ việc cho vay chứng khoán, liên quan đến việc hoán đổi chứng khoán cơ sở và chứng chỉ ETF.
Dennis Kelleher, giám đốc điều hành của Better Market, một nhóm phi lợi nhuận hỗ trợ quy định tài chính nghiêm ngặt, cho rằng có vẻ như Jay Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, đang thực hiện các bước để cho công chúng và các nhà lãnh đạo thấy rằng Fed muốn có được lòng tin của họ.
"Họ đã học được bài học từ lần trước rằng sự bí mật không cần thiết gây ra sự nghi ngờ và phá hủy sự tín nhiệm" ông nói.