Dòng tiền trên thị trường vẫn mang tính chất đầu cơ
Trong Báo cáo triển vọng mới cập nhật, FiinGroup đánh giá thanh khoản thị trường có sự cải thiện từ đầu tháng 3 nhưng chưa quá mạnh. Đáng chú ý là thanh khoản thường tăng mạnh trong các phiên giảm điểm. Điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn với áp lực bán ra cổ phiếu luôn trực chờ và chưa thực sự có niềm tin vào một xu hướng tăng giá trong thời gian tới.
Điểm tích cực là cá nhân đẩy mạnh mua ròng trong tháng 3 với giá trị mua cao gần gấp 4 lần mức mua ròng trong tháng 2. Mua ròng chủ yếu tập trung hai nhóm chính là Bất động sản (VIC, VHM và NVL) và HPG thay vì trải đều ở các nhóm ngành.
FiinGroup đánh giá dòng tiền trên thị trường chủ yếu mang tính chất đầu cơ và vẫn chưa quay về nhóm vốn hoá lớn. Dòng tiền duy trì tăng mạnh vào nhóm Hóa chất và Dầu khí trong nhiều tuần, giúp chỉ số giá các nhóm này tăng tích cực, phần lớn được hỗ trợ bởi đà tăng nóng của giá hàng hóa và vật liệu cơ bản trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn do cuộc chiến giữa Nga-Ukraine. Với những nhóm ngành còn lại, dòng tiền vào nhanh và ra nhanh, khiến giá cổ phiếu trồi sụt tương ứng.
Xét theo nhóm vốn hóa, chỉ số giá của nhóm vốn hóa lớn có mức tăng thấp hơn so với các nhóm khác vì định giá giảm -9,9%. Theo đó, nhóm vốn hoá lớn kém hấp dẫn dòng tiền từ giữa năm 2021 cho dù lợi nhuận vẫn tăng tốt. Đội ngũ phân tích FiinGroup cho rằng để định giá tăng trở lại, nhóm vốn hóa lớn phải cần đến sự nhập cuộc tích cực của dòng tiền từ nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là khối ngoại, bởi dòng tiền của NĐT cá nhân hiện chưa có dấu hiệu thoái lui ở nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ.
Nhóm cổ phiếu Ngân hàng vẫn rất đáng quan tâm
Bàn riêng về nhóm cổ phiếu Chứng khoán, chuyên gia phân tích FiinGroup cho rằng cổ phiếu Chứng khoán có giá tăng tốt trong nửa cuối năm 2021 nhờ động lực đến từ câu chuyện phát hành tăng vốn và các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận tích cực như thanh khoản thị trường tăng mạnh và VN-Index tiếp tục đi lên.
Tuy cùng thuộc khối Tài chính, khi xét về định giá P/B, cổ phiếu ngành Chứng khoán đang thu hẹp khoảng cách với ngành Ngân hàng, song hiện vẫn neo ở vùng cao so với lịch sử và vượt 1 lần độ lệch chuẩn của trung bình giai đoạn từ 2018 đến nay.
"Khi xem xét thêm tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận 2022, chúng tôi nhận thấy cổ phiếu ngành Chứng khoán đang kém hấp dẫn hơn so với cổ phiếu ngành Ngân hàng. Năm 2022, các công ty chứng khoán đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với lợi nhuận dự kiến tăng thấp do kỳ vọng lợi nhuận thấp từ hoạt động tự doanh, trong khi đó các ngân hàng tiếp tục kỳ vọng vào tăng trưởng cao", báo cáo phân tích của FiinGroup nêu rõ.
Về nguyên nhân nhóm Ngân hàng lình xình suốt thời gian qua, chuyên gia phân tích FiinGroup cho rằng do thiếu vắng câu chuyện hỗ trợ (ví dụ như tăng vốn) và rủi ro nợ xấu gia tăng do Covid-19 kéo dài khiến cổ phiếu từng được coi là cổ phiếu "vua" không hấp dẫn dòng tiền. Tuy nhiên, FiinGroup vẫn tin rằng đây là nhóm cổ phiếu đáng quan tâm khi giá được chiết khấu và định giá giảm về vùng hấp dẫn vì ngành Ngân hàng (1) dự kiến sẽ dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường năm 2022 và (2) chiếm tỷ trọng lớn trong thanh khoản hàng ngày.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh 2022 cho thấy sự lạc quan về triển vọng năm nay, đặc biệt là khối ngân hàng tư nhân. Mặt khác, các ngân hàng triển vọng có cơ cấu chi phí thấp và khả năng sinh lời cao cùng với mức nợ xấu thấp và bao phủ nợ xấu cao, đồng thời CAR cao so với mức quy định cho phép tăng trưởng tín dụng tốt cùng khả năng tăng trưởng thu nhập phí tốt do nền tảng khách hàng lớn.
FiinGroup cũng đánh giá nhóm ngành Phi tài chính có giá tăng tốt trong thời gian qua, song triển vọng lợi nhuận 2022 có thể đã được phản ánh một phần vào giá. Với nhóm Nhựa, Thép, Cao su, và Khai khoáng, sự suy giảm về định giá cho thấy thị trường có thể đang phản ánh trước các yếu tố bất lợi đối với tăng trưởng lợi nhuận của các nhóm này.