Sau nửa đầu năm 2021 bứt phá nhờ động lực tăng trưởng kết quả kinh doanh từ nền thấp năm 2020 và câu chuyện tăng vốn, cổ phiếu ngân hàng quay đầu giảm trong nửa sau của năm trong bối cảnh thiếu văng thông tin hỗ trợ.
Theo thống kê của FiinTrade, trong 10 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng khoảng 18,2 nghìn tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng, nhưng từ giữa tháng 10 lại chuyển vị thế bán ròng gần 2,4 nghìn tỷ đồng, phần lớn là CTG, TCB, STB và MBB. Trong khoảng 5 tháng gần đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng đi ngang ở nền giá thấp hơn so với nửa đầu năm. Với lợi nhuận quý 3 tăng trưởng khoảng 19% so với cùng kỳ, FiinTrade đánh giá định giá P/B đang thấp hơn khoảng 17% so với thời điểm đầu tháng 7.
Tuy nhiên, trong những phiên cuối năm 2021, cổ phiếu ngân hàng đã có dấu hiệu thu hút dòng tiền tốt hơn. Cổ phiếu nhà băng dần thể hiện vai trò trụ cột khi dẫn dắt đà tăng của VN-Index, hầu hết các cổ phiếu đều tăng điểm tốt, đã khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng nhóm "cổ phiếu vua" sẽ hấp hẫn dòng tiền trong thời gian tới.
Trao đổi với chúng tôi, Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp đánh giá cổ phiếu ngân hàng thời gian qua gần như đã giảm xuống vùng đáy, cho dù có tăng mạnh 1-2 phiên thì vẫn ở vùng rất hấp dẫn cho đầu tư trong khoảng 6 tháng.
Ông Điệp khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân tại những nhịp "chững lại" để đạt mức sinh lời tốt nhất. "Tôi dự báo dòng ngân hàng trong tuần tới sẽ có những phiên chỉnh nhẹ song tổng thể chung, cổ đông ngân hàng sẽ được "an ủi, động viên" trong tuần cuối cùng của năm"
Cùng quan điểm, tại hội thảo FiinTrade Talk 4, Chuyên gia Đào Phúc Tường đánh giá ngân hàng là ngành có triển vọng lợi nhuận 2022 rất tích cực vì tín dụng tiếp tục tăng nhờ nỗ lực kích thích phục hồi kinh tế của chính phủ. Cùng với đó, NIM sẽ mở rộng do các ngân hàng sẽ cắt giảm hỗ trợ cho doanh nghiệp và thu nhập về phí tại các ngân hàng dự kiến sẽ tăng trở lại.
Xét về định giá, ông Đào Phúc Tường cho rằng P/B mặc dù đã giảm so với đầu tháng 7 nhưng hiện vẫn ở vùng cao (2,2 lần) và luôn duy trì đi ngang trên mức 1 lần độ lệch chuẩn của trung bình 3 năm từ khoảng tháng 7/2021 tới nay.
Với ROE khoảng 20% và triển vọng lợi nhuận tích cực, giả định giá cổ phiếu không thay đổi thì định giá P/B của ngành ngân hàng sẽ có thể giảm về mức hấp dẫn (1,8 lần) vào cuối năm 2022. "Nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào câu chuyện về tăng trưởng 2022 của các cổ phiếu Ngân hàng mà nên lưu ý các yếu tố liên quan đến định giá và kỹ thuật trước khi ra quyết định đầu tư" ông Tường khuyến nghị.
Như vậy, có thể nói rằng sang năm 2022, không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng là "gà đẻ trứng vàng" như trong năm 2021, cơ hội quay lại “chặng đua” sẽ không tới với tất cả. Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup, nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu ngân hàng dựa trên phân tích những cải thiện về yếu tố nền tảng cơ bản.
Cụ thể, hậu COVID-19, những ngân hàng có lợi nhuận bất thường nhờ hạch toán thu nhập lãi từ các khoản cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch hoặc có tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã ở mức cao nên giảm áp lực trích lập dự phòng sẽ tiềm ẩn cơ hội đầu tư cho năm 2022.
Liên quan đến Thông tư 16 của NHNN nhằm hạn chế ngân hàng đầu tư trái phiếu của nhau và của doanh nghiệp, ông Thuân cho rằng đây là bước đi kịp thời giúp tránh rủi ro về hệ thống vì chất lượng nhà phát hành hiện khá yếu, nhưng đồng thời sẽ tác động tiêu cực đến nguồn thu từ lãi của một số ngân hàng đối với các khoản cho vay thông qua trái phiếu.
Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý rằng Thông tư 16 sẽ có khả năng ảnh hưởng đến các ngân hàng quy mô nhỏ và có tỷ lệ nợ xấu trên 3%.