Grab vừa công bố báo cáo về tình hình kinh doanh quý 1/2021. Đây cũng là thời điểm một số quốc gia Đông Nam Á thực hiện các biện pháp giãn cách nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta. Việc nhiều nước Đông Nam Á cùng thực thi các biện pháp chống dịch cùng thời điểm đã gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh gọi xe của hãng - dịch vụ chiếm 1/3 doanh thu của công ty.
Tổng giá trị giao dịch (GMV) trên nền tảng của Grab tăng 5% lên 3,6 tỷ USD. Chia sẻ với Financial Times, một nhà quản lý quỹ tại châu Á cho biết đây là mức tăng “thấp” đối với một công ty đang phát triển. Một phần lý do dẫn đến con số này là số lượng người dùng giao dịch hàng tháng trên nền tảng Grab đã giảm 20% từ 29,7 triệu người xuống còn 23,8 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.
Trước đó, vào tháng 4, Grab đã công bố một thỏa thuận hợp nhất kỷ lục với một doanh nghiệp mua lại cho mục đích đặc biệt (SPAC) với mức định giá doanh nghiệp là 40 tỷ USD để niêm yết lần đầu trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ. Grab hiện đang có mặt trên 8 thị trường, trong đó có Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Nhưng ngay sau khi công bố sáp nhập thì thị trường chính của siêu ứng dụng gọi xe này có biến động lớn. Đại dịch Covid-19 ở châu Á trở nên tồi tệ hơn từ quý đầu của năm 2021. Tất cả 6 thị trường cốt lõi của Grab đều đang trong tình trạng chống dịch với những hạn chế về đi lại, đồng thời tỷ lệ tiêm chủng ở khu vực này cũng rơi vào mức thấp.
Với sự hỗ trợ từ các đơn vị tài chính cùng với việc dịch vụ giao đồ ăn ngày càng phát triển, Grab báo cáo doanh thu 3 tháng đầu năm 2021 là 216 triệu USD, mức doanh thu cao nhất mọi thời đại. Nhưng lỗ ròng của công ty lên tới 652 triệu USD. Khoản lỗ trước lãi vay, thuế và khấu hao của công ty là 111 triệu USD, đã được cải thiện hơn so với mức 344 triệu USD vào năm ngoái.
Trước tình hình diễn biến đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp ở châu Á, xu hướng giao dịch SPAC cũng suy yếu theo. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ lo ngại về thị trường cho các công ty "séc trắng" này. Hoạt động gây quỹ và giao dịch dần chậm lại, trong khi đầu tư tư nhân vào tài trợ vốn cổ phần công, một nguồn quan trọng mang lại thêm tiền mặt cho SPAC, đã cạn kiệt.
Vào tháng 6, Grab đã đưa ra thông báo hoãn kế hoạch IPO đến cuối năm. Công ty cho biết cần thực hiện kiểm toán tài chính cho các năm tài chính 2018, 2019 và 2020 và đang trong thời gian chờ Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) thông qua các chính sách kế toán nhất định.
Ngày 2/8, Grab đưa ra tuyên bố đã đạt “tăng trưởng mạnh mẽ” trong quý đầu tiên của năm bất chấp khủng hoảng và vẫn dự kiến sẽ thực hiện niêm yết vào quý cuối của năm 2021.
Grab sẽ hợp tác với Altimeter Capital, một công ty SPAC để thực hiện việc niêm yết này. Brad Gerstner, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Altimeter, cho biết đây là “thời điểm chưa từng có” cho các doanh nghiệp điều hướng.
Ông nói thêm: “Không ai trong chúng tôi có thể lường trước được làn sóng Covid-19 mới ở Đông Nam Á. Đối mặt với khủng hoảng này, Grab vẫn cho thấy sự tăng trưởng thị phần. Khi mà hoạt động kinh doanh chính là giúp mọi người di chuyển thì những con số mà công ty đạt được là vô cùng ấn tượng.”
Giám đốc tài chính Grab - Peter Oey chia sẻ rằng doanh nghiệp đã thể hiện “khả năng phục hồi và hoạt động mạnh mẽ” trong quý 2/2021. Công ty cho thấy các cơ hội tăng trưởng trong lĩnh vực giao hàng và dịch vụ tài chính, bao gồm cả các khoản cho vay để bù đắp trong bộ phận lưu động của mình.
Ngành kinh doanh giao hàng báo cáo GMV tăng 49% lên 1,7 tỷ USD.
Jianggan Li, người sáng lập và giám đốc điều hành của tập đoàn tư vấn Momentum Works có trụ sở tại Singapore, nhận định: “Đại dịch đã gây ảnh hưởng nặng nề đến dịch vụ gọi xe, làm chậm lại sự tăng trưởng chung. Nhưng chính cuộc khủng hoảng y tế này này sẽ tạo ra một luồng gió thúc đẩy ngành kinh doanh giao hàng phát triển nhanh chóng”.
Ông Li cũng cho biết thêm: “Nếu đợt IPO của hãng diễn ra suôn sẻ vào cuối năm nay, Grab có thể sẽ khai thác được nhiều nguồn lực để có thể phát triển mạnh mẽ hơn.”
Trong bản báo cáo mới đây, Grab cũng đã tiết lộ hai nhân vật mới trong ban giám đốc của công ty. Đó là đồng sáng lập Zillow và giám đốc điều hành Rich Barton với tư cách là thành viên hội đồng quản trị độc lập. Đồng thời, vị trí này còn có tên của giám đốc điều hành Uber, Dara Khosrowshahi.