Chấp nhận chi ra mức giá cực kỳ cao – tương đương 32 lần thu nhập trước thuế - để chào mua cổ phần Sabeco từ chính phủ Việt Nam, ThaiBev đang đối mặt với áp lực từ cổ đông nếu bán lại thương hiệu này với giá không tương xứng, nhà phân tích đến từ Bernstein vừa bày tỏ quan điểm trên báo giới.
IPO mảng bia, Thaibev muốn ‘dụ’ Budweiser APAC chào mua cổ phần Sabeco?
Nghi vấn được đặt ra trước kế hoạch mới của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, dự niêm yết mảng bia tại Singapore với mức định giá lên đến 12 tỷ USD. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ IPO lớn nhất thị trường chứng khoán này trong gần một thập kỷ trở lại đây, kể từ lần niêm yết vào năm 2011 của Hutchison Port Holdings Trust (huy động được 5,5 tỷ USD).
Ngay sau thông tin được công bố, ông Euan McLeish - chuyên gia phân tích tại Bernstein – bày tỏ quan điểm rằng mức giá trên có thể gây ra nhiều quan ngại. "Thực tế Thaibev không có nhu cầu về vốn ngay lúc này, do đó thương vụ IPO có thể là một bước đi nhằm thu hút Budweiser APAC chào mua Sabeco - tập đoàn đang sở hữu 55% thị phần bia Việt Nam", vị này nhận định.
Trong diễn biến khác, ban lãnh đạo Budweiser cũng không hề giấu giếm tham vọng mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức lúc này là mức định giá hợp lý sao cho làm hài lòng tất cả, đặc biệt áp lực từ cổ đông như đã đề cập ban đầu.
"Tôi cho rằng lựa chọn tốt nhất lúc này là các bên sẽ hình thành một kiểu liên doanh nào đó", ông McLeish nói.
Thương vụ IPO có thể được thực hiện ngay đầu năm 2020; giới phân tích nói thêm: "Họ sẽ thực hiện nếu điều đó có thể tạo ra giá trị cho cổ đông. Trong khi bia lại đang là mảng tinh tuý nhất, do đó ThaiBev hoàn toàn có thể bán đi mảng này".
Theo đó, Budweiser đang đứng trước cơ hội cực kỳ tốt để thực hiện tham vọng mua lại Sabeco, mở rộng thị trường sang Việt Nam – nơi tầng lớp trung lưu và dân số trẻ gia tăng đang thúc đẩy nhu cầu bia tăng đến 300% trong giai đoạn 2002-2017.
Được biết, trong bối cảnh trưởng tiêu thụ bia trên thế giới dậm chân, thậm chí giảm tại thị trường trưởng thành (ví dụ Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc); Đông Nam Á nổi lên như một trong điểm sáng của ngành.
Hơn hết, Việt Nam là một trong những thị trường bia lớn của khu vực. Năm 2017, tổng sản lượng tiêu thụ bia đạt 4 tỷ lít bia chiếm 2,1% tổng sản lượng bia toàn cầu, đứng thứ 10 thế giới và thứ 3 trong khu vực châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản). Tương ứng, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 5,7% cao nhất trong nhóm 10 quốc gia có quy mô thị trường lớn nhất. Giai đoạn 10 năm (2007-2017) trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kép mỗi năm (CAGR) của Việt Nam đạt 8,3% cao nhất trong nhóm này, quy mô thị trường cũng tăng 15 bậc từ 25 lên thứ 10 thế giới.
Những luận điểm trên phần nào giải thích cho tham vọng muốn mở rộng thị trường sang Việt Nam của đại gia Budweiser. Tại đây, Sabeco hiện đang là Tập đoàn sản xuất bia lớn nhất với 55% thị phần. Chưa kể, Thaibev cũng đang ráo riết cải tổ và đưa chỉ số tại Sabeco tăng trưởng trở lại.
Ráo riết cải tổ Sabeco, nâng cao chỉ số tăng trưởng
Sau khi chi gần 5 tỷ tỷ USD để nắm quyền kiểm soát Sabeco, ThaiBev đã có khá nhiều động thái cải thiện hình ảnh thương hiệu cũng như hiệu quả hoạt động.
Thứ nhất, về thương hiệu, sau thành công của chiến dịch tái tung thương hiệu Bia Sài Gòn, Sabeco tiếp tục tiến hành chiến dịch tái tung thương hiệu cho bia 333 khi giới thiệu mẫu bao bì mới với diện mạo mới hiện đại và cao cấp hơn so với bao bì cũ.
Công tác định vị của 333 có thể sẽ dần được cao cấp hóa để giúp Sabeco tăng cường sự hiện diện trong phân khúc cận cao cấp/cao cấp; đồng thời củng cố sức mạnh cho danh mục thương hiệu của Sabeco.
Chiến dịch làm mới thương hiệu bước đi mới nhất của Sabeco nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh doanh, tiếp nối những cải tiến gần về nâng cao năng suất, tăng cường quản lý chuỗi cung ứng, bán hàng và tiếp thị.
Giảm cước phí vận chuyển, tối ưu hóa lộ trình vận chuyển, tiếp tục hợp nhất sản lượng bia vào các nhà máy thuộc kiểm soát của Sabeco và số hóa quy trình hoạt động đang dần đưa biên lãi Sabeco tăng trưởng trở lại.
Kết thúc quý 3/2019, Sabeco ghi nhận doanh thu tăng hơn 14% lên 9.804 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tương ứng tăng đến 29% lên 2.399 tỷ đồng. Biên lãi theo đó tiếp tục tăng. Đây cũng là quý thứ hai lợi nhuận của Sabeco đạt đỉnh kể từ khi ThaiBev tiếp quản hồi đầu năm 2018.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu 28.322 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng 4.279 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,5% và 23% theo năm. So với kế hoạch 38.871 tỷ doanh thu và 4.717 tỷ LNST, 3 quý đầu năm Sabeco đã lần lượt thực hiện được 73% chỉ tiêu doanh thu và gần 91% chỉ tiêu lợi nhuận.
Thaibev đang có 58.926 tỷ tiền và tương đương tiền, lợi nhuận giữ lại lên đến 91.857 tỷ đồng
Điểm qua về Thaibev, đơn vị thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi - người giàu nhất Thái Lan với tài sản ròng khoảng 19,5 tỷ USD. Công ty hiện khá nổi tiếng với thương hiệu bia Chang, ngoài ra Thaibev cũng sản xuất bia Archa và thương hiệu Federbrau lấy cảm hứng từ Đức. Bên cạnh kinh doanh nhà máy bia, ThaiBev cũng điều hành các nhà máy chưng cất sản xuất rượu bao gồm rượu rum SongSam, Meridian, Whisky Drummer.
Sau nhiều thương vụ sáp nhập, Thaibev hiện là một trong những tay chơi hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực F&B (thực phẩm và đồ uống) khi sở hữu nhiều thương hiệu từ nước giải khát cho tới đồ đông lạnh.
Trên thị trường trái phiếu, cổ phiếu ThaiBev cũng đang giao dịch với mức P/E dự báo 12 tháng khoảng 19 lần, tăng 48% kể từ đầu năm trong khi chỉ số tham chiếu SET chỉ đi ngang. Nếu tách riêng, mảng bia sẽ có thể được định giá cao hơn so với mức của cả Tập đoàn.
Tính đến ngày 30/9/2019, tổng tài sản của Thaibev đạt hơn 407 tỷ baht, tương đương 310.485 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền Tập đoàn đạt hơn 77 tỷ baht – tương đương 58.926 tỷ đồng (gần 20% tổng tài sản hợp nhất). Vốn chủ Tập đoàn vào mức 150 tỷ baht – tương đương 114.574 tỷ đồng, riêng lợi nhuận giữ lại chưa phân phối chiếm hơn 80% tỷ trọng với 120,5 tỷ baht – tức hơn 91.857 tỷ đồng (tăng 10,5% so với đầu kỳ).
Về kinh doanh, cả năm 2019 (niên độ từ 1/10/2018-30/9/2019) Thaibev ghi nhận doanh thu hợp nhất 269,3 tỷ baht – tương đương 205.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tương ứng thu về 7,8 tỷ baht – tương đương 5.932 tỷ đồng, giảm hơn 10%; trong khi đó theo BCTC riêng, lãi ròng 2019 giảm đến 34% từ mức 17,4 tỷ baht về chỉ còn hơn 11 tỷ baht.