Đã có hơn 40 công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam
Fintech là vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây khi trong thời gian thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Phát triển Fintech là một xu hướng chung cho lĩnh vực tài chính trên thế giới.
Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán, Phó trưởng Ban chỉ đạo Fintech cho biết, lĩnh vực Fintech dù còn mới mẻ tại Việt Nam nhưng đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Công nghệ mới này với nhiều công năng và tình huống ứng dụng đa dạng đem đến trải nghiệm mới, đầy hứng thú cho người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng - tài chính.
Fintech mang tới sự đổi mới, sáng tạo không ngừng với sự trợ giúp của các công nghệ hiện đại giúp thay đổi quy trình nghiệp vụ truyền thống của ngành ngân hàng - tài chính, trong đó bao gồm các nghiệp vụ như nhận gửi, cho vay, thanh toán.
Tuy nhiên, do Fintech là một lĩnh vực mới lại liên tục phát triển, đổi mới với nhịp độ nhanh, bởi vậy hành lang pháp lý hiện hành tại Việt Nam cho hoạt động nghiệp vụ và định hướng phát triển trong tương lai của các công ty Fintech nhìn chung còn thiếu hoặc chưa tương thích với bối cảnh số hóa. Việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và mới chỉ tập trung vào khía cạnh thanh toán của Fintech.
Do đó, theo ông để hướng tới xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các công ty Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, cần phải có sự nắm bắt, hiểu biết về lĩnh vực này cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các Vụ, Cục chức năng có liên quan thuộc NHNN.
Hiện nay, thị trường đã có hơn 40 công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó phần lớn tập trung vào mảng thanh toán (chiếm gần 60%).
Có 2/3 các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến; cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS, chuyển tiền…
Ngoài ra, thị trường Fintech Việt Nam còn có một số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác như gọi vốn cộng đồng, dịch vụ cho vay trực tuyến….
Hiện NHNN đã cấp phép cho 24 tổ chức không phải là ngân hàng thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và đã có hơn 40 ngân hàng thương mại tham gia hợp tác với các tổ chức này để triển khai dịch vụ. Tại NHNN, đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech do 01 Phó Thống đốc làm Trưởng Ban và đang làm việc rất chặt chẽ với các tổ chức ngân hàng và phi ngân hàng với mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ.
"Chúng tôi xác định mình là con rạch nhỏ và ngân hàng là những dòng sông lớn"
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch HĐQT MoMo nhận định tại Việt Nam, thanh toán di động mới đang ở bước đầu tiên - là công cụ giữa cá nhân với doanh nghiệp. Việc thanh toán các dịch vụ công của Chính phủ, cũng như phối hợp với ngân hàng để tận dụng nguồn lực trong dân (microsavings) cũng như đẩy mạnh tài chính tổng quát vẫn chưa diễn ra. Nhà nước vẫn đang sử dụng hệ thống tài chính truyền thống để triển khai các dịch vụ này, trong khi thanh toán di động là giải pháp công nghệ đơn giản và chi phí thấp hơn.
"Gần đây, nhờ những nỗ lực không ngừng của các công ty fintech, ngân hàng và các tổ chức tài chính tại Việt Nam đã có cái nhìn tích cực hơn, không coi thanh toán di động như một kẻ phá bĩnh, mà là một đối tác trong việc mang dịch vụ tài chính đến cho người dân với chi phí thấp nhờ công nghệ. Khi hợp tác với ngân hàng và các công ty tài chính, chúng tôi xác định mình là con rạch nhỏ và ngân hàng là những dòng sông lớn. MoMo sẽ giúp mang nước của sông lớn đến khách hàng thông qua hệ thống của mình", ông Nguyễn Bá Diệp nói.
Đây chính là quá trình tiến hóa của kênh phân phối dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ 4.0. Chỉ với một ứng dụng trên điện thoại di động, người dân có thể tiếp cận ngay tài chính tổng quát với hơn 300 dịch vụ khác nhau.
Theo ông Diệp, trong quá trình nghiên cứu để phát triển mô hình tài chính tổng quát tại Việt Nam, nhận thấy người dân có các hướng tiếp cận theo nhu cầu sau: Cần vay các khoản tiền nhỏ để phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu thiết yếu; Tìm kiếm một mô hình tiết kiệm vi mô (microsavings) để dành dụm cho tương lai; Mua các loại bảo hiểm liên quan đến sức khỏe, nông nghiệp, phi nhân thọ; Thanh toán các dịch vụ công (nộp phí, lệ phí, nộp phạt…); Nhận tiền nhanh các khoản vay hoặc các khoản hỗ trợ của chính phủ; Thanh toán trả góp các khoản vay hàng tháng...
Các việc này trên thực tế có thể được giải quyết rất đơn giản thông qua việc thúc đẩy hợp tác với dịch vụ thanh toán di động. Điều đó có nghĩa các chính phủ, quốc gia phải nhìn nhận việc tiếp cận dịch vụ tài chính tổng quát và thanh toán phi tiền mặt là nhu cầu cơ bản của con người, đồng thời là đích đến tiếp theo của một xã hội văn minh. Họ nên nhìn nhận thanh toán di động là một công cụ của chính phủ, có thể tác động một cách hệ thống lên sự phát triển của xã hội và giúp chính phủ đẩy mạnh quá trình đó.
"Nếu coi đó là chính sách quốc gia, các bên cần có ứng xử phù hợp để các công ty fintech (cụ thể là thanh toán di động) phát triển. Việc này cần sự hợp tác của các bên liên quan: Chính quyền, các tổ chức tài chính và công ty fintech (thanh toán di động)", ông Diệp nêu quan điểm.