Tính đến ngày 30/9, Việt Nam xếp thứ hai trong khối ASEAN về dòng tiền được rót vào fintech, chiếm 36% đầu tư chofintech của khu vực vào năm 2019, chỉ đứng sau Singapore (51%), theo báo cáo chung của PricewaterhouseCoopers (PWC), United Overseas Bank (UOB) và Hiệp hội Fintech Singapore.
Fintech Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ về dòng vốn tài trợ trong năm 2019 với hai thỏa thuận lớn cho VNPay (300 triệu USD) và MoMo (100 triệu USD). Hai thỏa thuận này được xếp hạng là lớn nhất và lớn thứ ba của khu vực, tính đến ngày 30/9 năm 2019, nghiên cứu cho biết.
Theo báo cáo, sự quan tâm đầu tư vào các công ty fintech của Việt Nam, và đặc biệt nhất là trong lĩnh vực thanh toán, được thúc đẩy bởi tiềm năng kinh doanh với quy mô dân số lớn, thị trường tương đối thuận lợi, cũng như tỷ lệ thâm nhập Internet và di động cao.
Xu hướng này song hành với nỗ lực của chính phủ nhằm biến Việt Nam thành một nền kinh tế không tiền mặt và thúc đẩy thanh toán di động và kỹ thuật số. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 31/3/2019, số lượng giao dịch tài chính được thực hiện trên điện thoại di động tăng gần gấp đôi so với năm 2018. Thị trường thanh toán di động Việt Nam dự kiến đạt 70,9 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 16 tỷ USD vào năm 2016, theo nghiên cứu của Allied Market Research.
Tính đến ngày 30/9/2019, đã có 136 công ty fintech được thành lập tại Việt Nam, đứng sau Singapore (1.157), Indonesia (511) và Malaysia (376). Không có gì đáng ngạc nhiên, thanh toán là phân khúc phát triển nhất, với khoảng 35 công ty, theo Fintech Startup Vietnam Map 2019. Các dự án và nền tảng đáng chú ý bao gồm MoMo, một nền tảng thanh toán di động của M_Service và một trong những công ty khởi nghiệp fintech được tài trợ nhiều nhất tại Việt Nam. Moca, một dịch vụ thanh toán di động được tích hợp vào siêu ứng dụng Grab. Và Zalo Pay, một dịch vụ được tích hợp vào nền tảng nhắn tin phổ biến của Việt Nam Zalo.
Cho vay ngang hàng (P2P) cũng một phân khúc nổi bật khác, bao gồm hơn 20 công ty, trong đó có Tima, một nền tảng tài chính tiêu dùng và cho vay P2P; Growth Wealth, một nền tảng cho vay P2P dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở Việt Nam, cũng như TrustCircle và Vay Muon.
Năm 2019 chứng kiến nhiều nỗ lực phát triển fintech đang được thực hiện tại Việt Nam. Chính phủ cam kết phát triển môi trường kinh doanh thuận lợi để ngành fintech phát triển mạnh.
Một trong số những động thái tích cực là phát triển Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia, tập trung vào việc tăng cường khả năng tiếp cận và tăng cường tiện ích của các dịch vụ tài chính, cũng như nâng cao kiến thức và kỹ năng tài chính của người tiêu dùng, các quy định mới được thiết lập để thúc đẩy phát triển và áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy một tiêu chuẩn cơ bản cho thanh toán bằng mã QR, cũng như một dự án thí điểm cho thanh toán di động thông qua các tài khoản viễn thông.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang nghiên cứu cơ chế sandbox để điều tiết fintech, cho phép các công ty dịch vụ tài chính và khởi nghiệp thử nghiệm các giải pháp và mô hình kinh doanh sáng tạo trong một môi trường được kiểm soát. Các kế hoạch cũng bao gồm xây dựng các quy định hướng dẫn, đặc biệt là trong lĩnh vực cho vay P2P và khuyến khích sự tăng trưởng của ngành.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, thị trường fintech của Việt Nam sẽ trị giá 9 tỷ USD vào năm 2020, trở thành thị trường lớn thứ tư của ASEAN.