Báo cáo, do bộ phận nghiên cứu BMI của Fitch tiến hành, nêu rõ bên cạnh Cộng đồng Kinh tế (AEC) của Hiệp hội ASEAN, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) cùng Sáng kiến kinh tế Vành đai và Con đường của Trung Quốc được xem là hai yếu tố then chốt sẽ góp phần nâng cao tính gắn kết trong khu vực, cũng như thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới.
BMI dự báo trong số các quốc gia ASEAN, Myanmar và Việt Nam sẽ đạt mốc tăng trưởng cao. Theo đó, Xứ sở chùa Vàng có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7,2%/năm trong 10 năm tới nhờ tăng đầu tư khi môi trường kinh doanh được cải thiện và tình hình chính trị ổn định.
Trong khi đó, Việt Nam sẽ ghi dấu ấn tăng trưởng kinh tế nhờ môi trường chính trị ổn định, công cuộc cải cách được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi và lĩnh vực sản xuất được hưởng lợi từ việc các công ty đa quốc gia đặt tại Việt Nam do chi phí sản xuất thấp.
Bên cạnh đó, BMI đánh giá Philippines như một trong những điểm sáng của khu vực khi tăng trưởng GDP của nước này được dự báo duy trì ổn định ở mức 6,2% trong thập kỷ tới. BMI cũng giữ nguyên dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực của Indonesia, nhờ tỷ lệ lớn dân số trẻ, đồng thời nhận định đây sẽ là một trong số các quốc gia ASEAN tiếp nhận nhiều nhất các dự án trong Sáng kiến kinh tế Vành đai và Con đường.
BMI dự báo Singapore và Brunei-2 quốc gia hiện có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người ở mức cao hơn nhiều so với Myanmar và Việt Nam, nhiều khả năng sẽ tăng trưởng chậm hơn trong những năm tới./.