Vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã công bố báo cáo Tài chính công của Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu cao, cùng với thành công trong công cuộc chống đại dịch Covid-19 là động lực quan trọng cho kinh tế Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh.
Trên cơ sở đó, ngày 1/4, Fitch đã nâng triển vọng tín dụng của Việt Nam lên "tích cực" từ mức "ổn định" trước đó. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các chỉ số liên quan đến tài chính công của Việt Nam đã cải thiện đáng kể so với các quốc gia trong khu vực.
Tháng 12/2019, trước khi nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên mức "tích cực" từ mức "ổn định", Fitch dự báo tỷ lệ nợ/GDP của Việt Nam sẽ ở mức 40,3% GDP trong năm 2021 so với tỷ lệ 41,7% GDP theo khung của Fitch dành cho xếp hạng tín nhiệm BB và 43,8% với xếp hạng tín nhiệm BBB.
Báo cáo mới công bố của Fitch cũng dự báo rằng tỷ lệ nợ/GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2022 sẽ ở quanh ngưỡng 39%. Mức trung bình đối với xếp hạng BB và BBB hiện đã lần lượt được điều chỉnh lên 60% và 58% GDP.
Đặc biệt, tình hình tài khóa cải thiện đã thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù doanh thu của ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng nhiều lĩnh vực khác vẫn tăng trưởng tốt.
Năm 2020, nhờ khu vực xuất khẩu tăng trưởng mạnh, Việt Nam đã nằm trong nhóm ít các nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng ở mức cao 2,9%. Trong khi đó, nền kinh tế nội địa tăng trưởng tốt nhờ thành công trong kiểm soát dịch bệnh.
Giai đoạn 2021-2022, Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, khoảng 7%/năm nhờ tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu và đầu tư. Ngoài ra, gói kích thích tài khóa được triển khai trong giai đoạn 2020-2021 với quy mô khoảng 3,6% GDP năm 2020 sẽ củng cố cho triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Fitch nhấn mạnh, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển thương mại trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung Quốc leo thang, cũng như các thỏa thuận thương mại tự do như EVFTA, CPTPP và RCEP. Đầu tư vào hạ tầng công và FDI tăng cao sẽ hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trung hạn.
Tăng trưởng kinh tế cao cũng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về GDP bình quân đầu người của Việt Nam với các nước trong khu vực. Song, báo cáo nêu rõ, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rủi ro liên quan tới đại dịch Covid-19.
Báo cáo kết luận: "Việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 của Việt Nam đang còn khá chậm, mới chỉ khởi động từ ngày 8/3. Người Việt không ngại tiêm vaccine Covid-19 là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân được tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam vẫn ở mức thấp so với một số nước láng giềng như Indonesia hay Malaysia. Nếu Việt Nam phải đương đầu với một đợt bùng dịch trước khi chương trình tiêm vaccine Covid-19 được triển khai rộng rãi, tăng trưởng kinh tế và tài chính công có thể bị ảnh hưởng".