Đối với kết quả đánh giá tín nhiệm độc lập (SCP) của EVN, Fitch xếp hạng EVN ở mức 'BB' (ổn định). Xếp hạng của EVN cũng trùng khớp với bậc tín nhiệm của Việt Nam theo những tiêu chí đánh giá doanh nghiệp liên quan tới Chính phủ của Fitch Ratings, sau những đánh giá của cơ quan này về khả năng Nhà nước hỗ trợ.
Bậc SCP của EVN phản ánh vị thế của công ty sở hữu và vận hành mạng lưới truyền tải và phân phối điện của Việt Nam, chiếm 54% công suất phát điện của Việt Nam.
Fitch Ratings kỳ vọng tình hình tài chính của EVN sẽ mạnh hơn nhiều so với mức tương xứng với bậc 'BB' về SCP. Tuy nhiên, việc nâng bậc SCP của EVN phụ thuộc vào việc áp dụng nhất quán cải cách quy định về điện, bao gồm hồ sơ về việc điều chỉnh biểu giá.
Trong trường hợp không tăng giá điện theo yêu cầu, tình hình tài chính của EVN có thể xấu đi nhanh chóng hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Lý do là EVN phụ thuộc nhiều vào biến động thủy điện cũng như tỷ lệ nợ ngoại tệ cao.
Fitch cũng cho rằng trong năm nay, Việt Nam sẽ nổi lên trong số các thị trường và thị trường mới nổi khu vực châu Á nhờ khả năng phục hồi kinh tế và thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cũng như đóng cửa nền kinh tế đã làm giảm nhu cầu điện, đặc biệt ở cụm khách hàng công nghiệp và thương mại.
Kết quả đánh giá của Fitch dựa trên giả định mức tăng trưởng sản lượng điện đạt 2% trong năm 2020. Trước đó, mức tăng trưởng trung bình là 10%/năm trong 4 năm vừa qua.
Chính phủ cũng đã yêu cầu EVN cung cấp điện miễn phí hoặc giảm giá cho một số đối tượng khác hàng, nhằm làm giảm tác động của đại dịch. Fitch nhận định, EVN vẫn có khả năng đáp ứng nhu cầu của người dùng với mức giá điện thấp hơn.
Fitch đánh giá trạng thái, quyền sở hữu và yếu tố kiểm soát của EVN là 'Rất mạnh'. Các mục tiêu của EVN do chính phủ đặt ra và phê duyệt. Nhân sự quản lý của EVN do nhà nước bổ nhiệm, Thủ tướng bổ nhiệm chủ tịch EVN.
Tổ chức này dự báo nhu cầu điện tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng với tốc độ trung bình 9%/năm kể từ năm 2021 trở đi, nhờ sự gia tăng công nghiệp hoá, đô thị hoá. Việt Nam có tỷ lệ điện khí hóa toàn quốc đạt khoảng 99%, trong đó khu vực đô thị đạt gần 100%.
Tuy nhiên, Fitch cũng chỉ ra những rủi ro khi thủy điện chiếm khoảng 37% công suất phát điện của Việt Nam. Khi lượng mưa thấp, doanh nghiệp sẽ phải phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu đắt tiền. Ngoài ra, khoảng 73% các khoản vay của EVN là bằng ngoại tệ, dẫn đến tăng tỷ lệ rủi ro liên quan đến tiền tệ.
Sản lượng bán điện thấp cũng làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của EVN do doanh nghiệp có nhiều kế hoạch đầu tư và hợp đồng nhận trực tiếp hay trả lại (take-or-pay) hơn so với các doanh nghiệp tư nhân.
Fitch ước tính vốn đầu tư của EVN sẽ tăng lên khoảng 70 nghìn tỷ đồng/năm từ năm 2021. Trong tương lai, dự kiến tập đoàn sẽ đầu tư để quản lý sự gia tăng liên tục của nhu cầu điện, giải quyết tình trạng thiếu hụt các nhà máy điện ở khu vực phía nam của đất nước và công suất truyền tải thấp từ Bắc vào Nam.
Đến cuối năm 2022, Fitch kỳ vọng công suất lắp đặt của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 70 GW, chủ yếu do các công ty tư nhân và các tổ chức khác thuộc sở hữu của chính phủ.
Vài năm qua, tỷ trọng công suất nhiệt điện than của Việt Nam tăng đều và tỷ trọng này được kỳ vọng sẽ chiếm phần lớn công suất bổ sung của Việt Nam trong tương lai.
Việc tăng công suất than, cùng với phát triển các mỏ khí trong nước và các bến nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẽ giải quyết các rủi ro thủy văn ở một mức độ nào đó trong trung hạn.
Cuối cùng, Fitch kết luận Việt Nam đã trở thành nhà nhập khẩu than ròng vào năm 2015 và sự phụ thuộc vào than nhập khẩu sẽ tăng lên, do Việt Nam đã sử dụng hết phần lớn tiềm năng thủy điện, đồng thời trữ lượng khí đốt trong nước đang giảm.