"Việt Nam có triển vọng tích cực trong tăng trưởng năng lượng tái tạo", Daine Loh - nhà phân tích nghiên cứu tại Fitch Solutions viết trong một báo cáo. "Và năng lượng mặt trời là một trong những động lực chính của sự tăng trưởng ấn tượng này. Việt Nam vẫn còn tiềm năng năng lượng mặt trời chưa được khai thác.
Với ngành công nghiệp và sản xuất đang mở rộng, đặc biệt trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung chưa có hồi kết, Việt Nam rõ ràng sẽ có nhu cầu và lượng tiêu thụ điện gia tăng rõ rệt trong thập kỷ tới, điều này sẽ kích thích nhu cầu phát triển nhanh chóng của các nhà máy phát điện điện mới.
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện ở Việt Nam, mà Fitch dự báo sẽ tăng trung bình hàng năm 6,7% từ năm 2019 đến 2028 - một trong những quốc gia có tốc độ tăng nhanh nhất ở châu Á.
"Chúng tôi tin rằng chính phủ sẽ ưu tiên phát triển ngành điện để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ổn định. Nhóm nghiên cứu Rủi ro vĩ mô Quốc gia của Fitch Solutions dự báo tốc độ tăng sẽ đạt 6,9% vào năm 2019 và 6,8% vào năm 2020, chiếm gần 17% GDP. Cải thiện an ninh năng lượng là yếu tố vô cùng quan trọng để duy trì đà tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn.
Trong khi Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục mở rộng công suất điện than để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao sắp tới, thì năng lượng tái tạo sẽ mang đến cơ hội tăng trưởng mới, đặc biệt là khi ý thức về môi trường ngày càng tăng, có nhiều mối lo ngại về ô nhiễm đối với việc sử dụng than.
Năng lượng mặt trời, đặc biệt là năng lượng mặt trời mái nhà là một lựa chọn hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các thị trường mới nổi, vì nó đòi hỏi thời gian phát triển ngắn hơn so với các dự án nhiệt điện, và có khả năng vượt qua một số thiếu hụt về cơ sở hạ tầng như tắc nghẽn lưới điện hoặc các vấn đề về đất đai.
Fitch cũng đánh giá cao các chính sách hỗ trợ và môi trường pháp lý cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Dựa trên kế hoạch phát triển năng lượng mới nhất, Chính phủ đặt mục tiêu bổ sung 4 GW công suất năng lượng mặt trời vào năm 2025 và 12 GW vào năm 2030.
"Mặc dù đề xuất giá mua điện mặt trời FIT 2 giảm khoảng 20% so với dự án cũ được công bố hồi tháng 9 có thể hạn chế phần nào sự quan tâm của nhà đầu tư, chúng tôi tin rằng FIT mới 70,90 USD và 76,90 USD / MWh cho hai phân khúc năng lượng mặt trời tương ứng sẽ vẫn cao đủ để thu hút các nhà đầu tư - khi các cuộc đấu giá đẩy giá xuống đáng kể ở hầu hết các thị trường năng lượng mặt trời thay thế" - Fitch cho biết.
"Hơn nữa, chúng tôi tin rằng điều này sẽ được bù đắp một phần bởi chi phí công nghệ giảm cho năng lượng mặt trời. Các nhà sản xuất linh kiện năng lượng mặt trời Trung Quốc đã phải đối mặt với tình trạng dư cung, do tăng trưởng năng lượng mặt trời trong nước chậm lại và hạn chế truy cập vào thị trường Mỹ và Ấn Độ, dẫn đến áp lực giảm giá mô-đun năng lượng mặt trời trên toàn cầu trong hai năm qua. Ngoài ra, một số nhà sản xuất Trung Quốc cũng đã thiết lập năng lực sản xuất tại Việt Nam để tránh thuế thương mại và sự hiện diện của chuỗi cung ứng trong nước làm giảm giá sử dụng trong nước".
"Việt Nam đã chứng kiến sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư và tăng cường các dự án năng lượng mặt trời, là cơ sở cho dự báo triển vọng tăng trưởng tích cực của chúng tôi" - Fitch cho biết.
Đáng chú ý, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ký kết một khoản vay trị giá 37 triệu USD với Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) để tài trợ việc lắp đặt một dàn pin điện mặt trời nổi với công suất đỉnh là 47,5 mê-ga-oát (MWp) trên hồ chứa hiện thời của nhà máy thủy điện Đa Mi với công suất 175MW thuộc Công ty DHD. Dự án này đánh dấu việc lắp đặt dàn pin điện mặt trời nổi quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam, và cũng là lớn nhất ở Đông Nam Á.
Khi sự phát triển tiếp tục, các nhà đầu tư có thể sẽ tìm thấy những điểm sáng để đầu tư vào năng lượng mặt trời trên khắp Việt Nam.