Việt Nam không nên hy sinh sự ổn định vĩ mô để đổi lấy tốc độ tăng trưởng nhanh nếu muốn trở thành 1 nền kinh tế được xếp hạng ở mức nên đầu tư (investment-grade), tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg tại Hà Nội, ông Stephen Schwartz, trưởng bộ phận xếp hạng quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương của Fitch, cho biết Fitch muốn nhìn thấy những bằng chứng chắc chắn hơn về sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô trước khi xem xét nâng hạng tiếp cho Việt Nam. Tháng trước, Fitch vừa nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB (là dưới mức nên đầu tư 2 bậc)
Ngoài ra Fitch cũng đang theo dõi sát sao những nỗ lực giải quyết các yếu điểm trong cấu trúc nền kinh tế, bao gồm công cuộc cải cách khối doanh nghiệp nhà nước và xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
"Thách thức cho các nhà hoạch định chính sách là phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao mà không phải hi sinh những thành quả đã đạt được trong ổn định kinh tế vĩ mô – nhân tố mà chúng tôi dựa vào để đưa ra quyết định nâng hạng vừa qua", ông Schwartz nói. "Chính phủ Việt Nam nhận thức được và đang đạt được một số tiến bộ trong các lĩnh vực chủ chốt".
Trong thông báo nâng hạng công bố tháng trước, Fitch giải thích Việt Nam được nâng hạng nhờ dự trữ ngoại hối tăng và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, do đó xếp hạng nợ ngoại tệ dài hạn được nâng lên mức BB, thấp hơn 2 bậc so với mức nên đầu tư.
Việt Nam là 1 trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với GDP tăng trưởng gần 7,4% trong quý I, nhanh nhất kể từ năm 2005. Trong nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng cao đồng thời giữ lạm phát ở mức kiểm soát, Chính phủ mới đây đã thực hiện nhiều biện pháp như trợ giá xăng dầu hay yêu cầu các bộ ngành liên quan không tăng giá điện.
"Trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang dần bị thắt chặt trên toàn cầu, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng như các NHTW ở châu Á cần phải hết sức cẩn trọng", ông Schwartz nói.
Vị chuyên gia này dự báo "trong ngắn hạn NHNN sẽ có thể thắt chặt chính sách tiền tệ, thông qua hoạt động trên thị trường mở (OMO) hoặc thông qua công cụ chính sách như tăng các lãi suất cơ bản, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản và tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng mạnh trong thời gian gần đây".
Về kinh tế Việt Nam, Schwartz dự báo sau khi tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I, "Fitch sẽ không ngạc nhiên nếu kinh tế Việt Nam giảm tốc một chút trong các quý còn lại của năm 2018, do bị ảnh hưởng từ các xu hướng trên thế giới như chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng và khả năng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại".
Thâm hụt ngân sách của Việt Nam được dự báo sẽ thu hẹp xuống còn khoảng 4,6% GDP trong năm nay (Fitch ước tính mức thâm hụt 2017 là 4.7%). Các nền kinh tế được Fitch xếp cùng hạng BB đang có thâm hụt ngân sách trung bình vào khoảng 3,2%.