Cuộc chiến thương mại - hiện đang "tạm dừng" cho đến khi có động thái mới, có thể là một cơn gió lớn đối với Trung Quốc, nhưng đó không phải là một mối lo ngại quá lớn với các nước láng giềng của Trung Quốc trên khắp châu Á. Nếu họ không được hưởng lợi từ việc các nhà cung cấp di dời nhà máy đến đất nước họ, thì họ cũng đang được hưởng lợi từ các yếu tối nội tại của nền kinh tế.
Trung Quốc sẽ tăng trưởng dưới 6% trong năm nay, lần đầu tiên kể từ khi gia nhập WTO, nhưng ít nhất thì họ cũng đã thành công trong việc khiến chính quyền Washington phải đau đầu.
Nếu có những phát triển tích cực cụ thể từ thỏa thuận thương mại giai đoạn một, sẽ được ký kết vào ngày 15/1 tới đây tại Washington, thì thị trường chứng khoán châu Á sẽ được hưởng lợi. Cho dù trước đó, thị trường chứng khoán tại nhiều quốc gia đã chứng kiến dấu hiệu suy giảm, ví dụ, quỹ VanEck Vectors Vietnam đã giao dịch tiêu cực trong đầu năm 2019, trong khi MSCI China và MSCI Emerging Markets đều tăng điểm. Trong 12 tháng vừa qua, TTCK Việt Nam chỉ tăng 5%.
Thái Lan, cũng được coi là một điểm đến đầu tư cho những người tìm kiếm các lựa chọn thay thế Trung Quốc, thậm chí còn thể hiện tồi tệ hơn. MSCI Thái Lan (THD) đã giảm khoảng 1% so với năm ngoái.
Tại sao họ lại "bầm dập" như vậy? Mỗi bên có một lý do riêng. Nhưng nếu các nhà đầu tư dự đoán đúng, và năm 2020 là năm hướng tới các giá trị chứ không phải là tăng trưởng như năm 2019, thì có những giá trị tiềm ẩn được tìm thấy ở khắp nơi trong khu vực châu Á; một khu vực đã bị xa lánh trong năm 2019 - khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại.
"Từ quan điểm dài hạn, cuộc chiến thương mại và sự suy yếu ở Trung Quốc khó có thể ảnh hưởng quá lớn đến câu chuyện tăng trưởng ở châu Á", ông Simon Weston, giám đốc danh mục đầu tư cao cấp cho thị trường châu Á tại AXA Investment Managerers cho biết.
Bằng chứng là sau hàng loạt các dự báo chỉ ở mức 6,7-6,9%, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đạt 7,02%.
Đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan đã thu hút sự quan tâm từ nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tìm cách chuyển các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc đang gặp bất lợi. Các công ty rời đi không chỉ vì chiến tranh thương mại, mà vì mức lương ở Trung Quốc cũng như chi phí ngày càng tăng mạnh, trong khi điều kiện kinh doanh thì ngày càng khắt khe. Thuế quan chỉ đơn giản là "giọt nước tràn ly" đối với những người ra quyết định từ bỏ việc sản xuất ở Trung Quốc, họ muốn tối thiểu hóa chi phí.
Phần lớn các khoản đầu tư mới vào sản xuất có khả năng vẫn sẽ tiếp tục ở lại châu Á trong năm 2020, một phần nhờ vào lực lượng lao động giá rẻ, sự gần gũi với Trung Quốc và thị trường nội địa đang phát triển mạnh - một yếu tố thị trường hỗ trợ cho việc bán hàng của chính các nhà sản xuất đó.
Các nhà phân tích của AXA cho biết, sự tăng trưởng đáng kể của thương mại nội khối cũng khiến châu Á trở nên kiên cường hơn trước sự sụp đổ từ cuộc chiến thương mại.
Một ví dụ về các nền kinh tế mạnh ở châu Á được hưởng lợi từ thương mại là Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). Họ đã trở thành nhà cung cấp linh kiện cốt lõi cho các công ty Trung Quốc đang tìm cách bảo đảm phần cứng không phải của Mỹ trong trường hợp phía Washington áp đặt biện pháp trừng phạt như đã từng làm với ZTE, Huawei và các công ty công nghệ khác - những người mua chip của Mỹ. TSMC là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp cho Apple và Huawei. Công ty vẫn đang mở rộng. Giá cổ phiếu của họ tăng 159% trong 5 năm qua.
Các công ty châu Á đã dành phần lớn năm 2019 để điều chỉnh cơ cấu, chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại bằng cách giữ hàng tồn kho cao, giảm chi phí và vốn đầu tư. Chi phí thấp hơn có thể có lợi cho lợi nhuận doanh nghiệp và dòng tiền châu Á trong năm nay, nếu tiềm năng tăng trưởng là tích cực.
Các nhà phân tích của AXA cho biết tăng trưởng doanh thu của các công ty của khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng tốc. Các ngành như chất bán dẫn và công nghệ có thể chứng kiến sự phục hồi khi theo kịp nhu cầu. Hiệu ứng này sẽ đặc biệt có lợi cho công nghệ Hàn Quốc. Doanh thu của Samsung bất ngờ tăng trong tuần này.
Không thể phủ nhận rằng Trung Quốc và Mỹ "cơm không lành, canh không ngọt" vẫn sẽ một vấn đề đối với châu Á. Nhưng phần còn lại của châu Á vẫn có thể tiếp tục phát triển, mà không cần Trung Quốc phải tăng trưởng mạnh đến 6%.