Học thuyết phát triển kinh tế thường được đánh giá là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của hầu hết các quốc gia, điển hình như một số nước khu vực Đông Á và Hoa Kỳ.
Cuốn "Internationalization of Emerging Economies and Firms" (tạm dịch: Công cuộc toàn cầu hóa của doanh nghiệp và các thị trường mới nổi) của Marin Marinov và Svetla Marinova đã chỉ rõ, trước khi quá trình công nghiệp hóa diễn ra, các quốc gia sẽ phải trải qua giai đoạn mà chi phí lao động là yếu tố cạnh tranh chủ yếu của doanh nghiệp, quy định về bằng sáng chế vẫn chưa hoàn thiện để bắt kịp công nghệ mới, hay không tuân thủ đẩy đủ các thông lệ về chống cạnh tranh trong các hiệp định thương mại quốc tế...
Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp có thể bắt đầu áp dụng công nghệ tương tự như các đối thủ nước ngoài, trong khi có lợi thế về chi phí lao động rẻ hơn, chi phí vốn trung bình thấp hơn. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng hoạt động kinh doanh.
Con đường dẫn đến toàn cầu hóa
Quá trình này đã dần thúc đẩy các doanh nghiệp hướng đến toàn cầu hóa thông qua xuất khẩu. Sau đó, doanh nghiệp cần tuân thủ các tiêu chuẩn, áp dụng những phương thức sản xuất mới, đảm bảo sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường nước ngoài. Giai đoạn này, các doanh nghiệp thường phát triển thương hiệu riêng và trực tiếp đưa sản phẩm đến thị trường tiêu thụ.
Sau thời điểm này, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục xem xét quá trình toàn cầu hóa của mình, chủ yếu thông qua sự phát triển của các chi nhánh nước ngoài và các quyết định đầu tư ra nước ngoài. Song đây cũng là giai đoạn được đánh giá thách thức nhất.
Theo chuyên gia Alan M. Rugman và Chang Hoon Oh đã viết trong báo cáo "Các doanh nghiệp đa quốc gia và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu", các doanh nghiệp tại thị trường mới nổi có xu hướng hoạt động kém hơn trong giai đoạn sau quá trình toàn cầu hóa.
Hầu hết các doanh nghiệp tập trung vào việc tìm kiếm thị trường mới, nhưng lại ít tập trung vào hoạt động chung cùng các công ty con tại thị trường nước ngoài. Đây là một bất lợi đáng kể khi so với nhiều doanh nghiệp phương Tây đang có xu hướng thâm nhập vào thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, thay vì quản lý đội ngũ và phát triển chuỗi cung ứng, công ty con tại thị trường nước ngoài thường chỉ tập trung vào tiếp thị và phân phối, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng triệt để nguồn lực địa phương.
Tuy nhiên, nhìn chung, hầu hết các nền kinh tế đang tiến hành quá trình toàn cầu hóa tương đối hiệu quả. Một số doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp đang trên đường trở thành "người dẫn đầu", giúp nâng vị thế của nền kinh tế quốc gia trên trường quốc tế.
Tầm quan trọng của toàn cầu hóa
Trên thực tế, nếu không tiến hành toàn cầu hóa, nhiều nỗ lực của doanh nghiệp có thể phản tác dụng. Chi phí vốn thấp là điều mà nhiều doanh nghiệp đã từng muốn hướng đến. Tuy nhiên, điều này không tạo ra những doanh nghiệp có tính cạnh tranh cao. Thay vào đó, hàng loạt "gã khổng lồ" đã xuất hiện trên thị trường với hoạt động kém hiệu quả, sản phẩm có giá trị thấp.
Việc coi nguồn cung lao động giá rẻ là một lợi thế cạnh tranh đồng nghĩa với việc hoạt động quản lý của doanh nghiệp vẫn còn kém. Ngoài ra, các quy định về bằng sáng chế chưa hoàn thiện cũng sẽ không thúc đẩy doanh nghiệp bắt kịp công nghệ, áp dụng các phương pháp sản xuất mới và thực hành quản lý nghiêm ngặt hơn.
Nói cách khác, nếu không thực hiện toàn cầu hóa, thì phép màu kinh tế sẽ trở thành "bom xịt" của nền kinh tế. Mỗi giai đoạn trong quá trình toàn cầu hóa đều đóng vai trò quan trọng, cho phép các doanh nghiệp biến những lợi thế tạm thời, thường có được nhờ quá trình dịch chuyển chuỗi sản xuất, thành lợi thế cạnh tranh lâu dài.
Đó cũng chính là điều khiến Samsung hay Huawei từ những doanh nghiệp chi phí thấp trong lĩnh vực thương mại chế biến, thành các hãng sáng tạo toàn cầu có tính cạnh tranh cao, là người dẫn đầu toàn cầu.
Nhiều thị trường mới nổi, chẳng hạn như khu vực Đông Nam Á hiện đang ở "ngã ba đường", khi những lợi thế giúp tạo ra nhiều "ông lớn" trước đây, giờ lại không còn giá trị trên thị trường nơi toàn cầu hóa ngày càng trở nên quan trọng. Có thể trong một thời gian rất ngắn nữa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu, ví dụ như với 6G, hoặc có thể là công nghệ sinh học.