Theo số liệu thống kê tài sản theo thời gian thực của Forbes, tài sản 7 tỷ phú của Việt Nam đã giảm khoảng 2,4 tỷ USD kể từ tháng 4 đến nay (tháng 4 là thời điểm Forbes công bố danh sách tỷ phú của năm).
Trong 7 tỷ phú, chỉ có ông Bùi Thành Nhơn là giữ vững được tài sản, vẫn ở mức 2,9 tỷ USD, còn lại 6 tỷ phú khác tài sản đều giảm.
Tài sản ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Hồ Hùng Anh cùng giảm khoảng 300-400 triệu USD, trong khi tài sản ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Bá Dương giảm khoảng 100 triệu USD.
Đáng chú ý, tài sản của ông Trần Đình Long giảm tới 1,2 tỷ USD và hiện chỉ còn 2 tỷ USD. Ông Long là người có tài sản giảm mạnh nhất trong số 7 tỷ phú của Việt Nam. Với mức giảm này, ông Long đã tụt xuống vị trí người giàu thứ 5 Việt Nam, và giàu thứ 1.444 thế giới.
Quy mô tài sản các tỷ phú bị co hẹp trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang trong xu hướng giảm. VN-Index kết thúc phiên giao dịch ngày 16/6 ở mức 1.236,63 điểm, giảm 17% so với hồi cuối tháng 3 (lúc bấy giờ là 1.492 điểm). Riêng cổ phiếu Hòa Phát của ông Long thời gian qua liên tục giảm, đặc biệt từ sau Đại hội cổ đông thường niên của công ty. Khi đó, Chủ tịch Trần Đình Long từng dùng từ "thê thảm" để nói về hoạt động kinh doanh của Hòa Phát nói riêng và ngành thép nói chung.
Nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán trong thời gian tới, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng trong ngắn hạn thị trường chứng khoán vẫn còn gặp nhiều thách thức khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, chính sách “không Covid” của Trung Quốc gián tiếp tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù vậy, cả thị trường chứng khoán Mỹ và Việt Nam đều đã giảm gần 14% so với đầu năm cho thấy các thách thức này đã phần nào đã phản ánh vào giá.
Tương tự, chứng khoán Rồng Việt cho rằng không có nhiều thông tin đủ mạnh để tác động đến thị trường tháng 6. Rồng Việt đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang đứng trước khá nhiều rủi ro vĩ mô từ bên ngoài, đặc biệt là liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt trong bối cảnh diễn biến lạm phát toàn cầu khó lương, dẫn dắt bởi giá năng lượng và lương thực neo cao do chịu tác động của cuộc chiến Nga - Ukraina. Yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát của Việt Nam, qua đó, trở thành lực cản lớn đối với đà tăng của thị trường trong bối cảnh dòng tiền ngày càng thận trọng và khó có nhiều thông tin tích cực mang tính lan tỏa trên diện rộng trong tháng 6.
Mặc dù vậy, nhìn về triển vọng 6 tháng cuối năm, các công ty chứng khoán vẫn nhận thấy điểm tích cực. Dù có phần thận trọng hơn về triển vọng của thị trường trước các thách thức hiện tại, nhưng SSI Reseach cho rằng nửa cuối 2022 mức tăng trưởng của những ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dự kiến sẽ ở mức tích cực so với cùng kỳ thấp năm ngoái, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ được đẩy nhanh hơn. Gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng là một động lực cho tăng trưởng nếu sớm được triển khai đúng định hướng.
Chứng khoán VNDirect kỳ vọng tốc độ phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Việt Nam trong vài quý tới sẽ hỗ trợ đáng kể cho thị trường chứng khoán. tốc độ phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Việt Nam trong vài quý tới sẽ hỗ trợ đáng kể cho thị trường chứng khoán.