Trước lo ngại về làn sóng thứ hai của dịch bệnh do virus corona (Covid-19) có thể xảy ra vào mùa đông năm nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nếu làn sóng thứ 2 bùng nổ, Trung Quốc sẽ như "ngồi trên chảo dầu". Bởi lẽ quốc gia này sẽ gặp không ít "rắc rối" với các nước phương Tây – những đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc.
Ở một kịch bản khác, người ta đồn đoán rằng, không sớm thì muộn, làn sóng dịch bệnh thứ 2 sẽ tiếp tục bùng phát, tuy nhiên lần này nó không gây chết chóc quá nhiều. Có thể bản thân virus và khả năng lây lan của nó không còn quá nguy hiểm như chúng ta vẫn nghĩ. Tất nhiên, nếu kịch bản này xảy ra, chính quyền Trung Quốc có thể thở phào nhẹ nhõm, bởi tất cả rồi sẽ qua như những cơn giông bão bình thường.
Tuy nhiên, có một điều mà các nhà cầm quyền Bắc Kinh nên thận trọng lúc này. Đó là việc Trung Quốc đang dần đánh mất vị thế của một đầu tàu trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Và rất có thể, virus corona sẽ viết nên hồi kết của cuốn tiểu thuyết mang tên Hàng "Made in China".
Đánh mất vị thế "công xưởng thế giới"
"Rất nhiều công ty mà tôi có cơ hội làm việc, hợp tác cùng trong những năm qua là các nhà sản xuất lớn với nhiều nhà máy linh kiện tự động đặt tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây họ đều suy nghĩ đến việc đánh giá lại nguồn cung và giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Họ muốn chuyển cơ sở sản xuất đến các nước khác nhằm tránh rủi ro từ Trung Quốc", John Scannapieco – chuyên gia chính sách tại cơ quan đặc nhiệm về Covid-19 tại Baker Donelson (Hoa Kỳ) chia sẻ trên Forbes.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã xây dựng thành công vị trí then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới. Ở vị thế của một trung tâm sản xuất, Trung Quốc cần nhập khẩu nhiều quắng sắt từ Brazil và Úc; đồng thời nhập khẩu đồng từ Chile. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng nhập khẩu thực phẩm từ các nước khác như Mỹ, Australia... Trung Quốc hiện sở hữu 7 trong số 10 bến cảng lớn nhất hành tinh.
Có thể nói, trong suốt những thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã xây dựng nên hình ảnh của một quốc gia phát triển như vũ bão trước con sóng toàn cầu hoá. Với nguồn lao động trẻ, dồi dào và chi phí lao động phải chăng, Trung Quốc tập hợp những nhà máy sản xuất lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đang tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong các vấn đề về quyền lao động và môi trường làm việc. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí lao động tại đây tăng lên chóng mặt và nhiều nhà sản xuất buộc phải "bật đèn xanh" tìm đến những thị trường có chi phí lao động rẻ hơn như Việt Nam hay Bangladesh.
Vị trí trung tâm trong quá trình toàn cầu hoá của Trung Quốc đang bị thay đổi và nó sẽ còn tiếp tục thay đổi sau khi cuộc chiến chống dịch bệnh kết thúc. Sẽ có những người chiến thắng mới lên thay thế và có những quốc gia bị bỏ lại phía sau để tự bảo vệ chính mình.
Mới đây, Tập đoàn tài chính của Pháp BNP Paribas đã xây dựng một chỉ số kinh tế mới mang tên "resilience" – tính đàn hồi hay sức chịu đựng của quá trình suy giảm toàn cầu hoá – một xu hướng mà các nhà đầu tư lớn trên thế giới trong đó có George Soros từng dự đoán sẽ diễn ra sau khi dịch bệnh đạt đến đỉnh.
Theo đó, chỉ số "resilience" của mỗi quốc gia được tính dựa trên ba yếu tố: nền tảng kinh tế vĩ mô trước khủng hoảng, quan hệ thương mại toàn cầu trong khủng khoảng và khả năng tự vượt lên của các Tập đoàn trong nước sau khủng hoảng. Kết quả khảo sát bước đầu của BNP cho thấy, lãnh đạo Hàn Quốc và Israel đang làm tốt vai trò của mình. Ngược lại, Argentina và Ai Cập đang đi "giật lùi".
Trong khi đó, Trung Quốc lại tập trung phát triển thị trường nội địa và cố gắng vượt qua "cơn bão" bằng nguồn lực trong nước. Đây là điều mà các nền kinh tế lớn khác như Brazil hay Nga không có; trong khi các nền kinh tế nhỏ hơn và tập trung xuất khẩu hàng hoá như Chile dường như đang bị "đè bẹp".
"Suy cho cùng, không có gì là định mệnh ở đây cả. Sau tất cả, cách mà một quốc gia đối phó với dịch bệnh sẽ cho thấy khả năng phục hồi của họ sau dịch bệnh", Marcelo Carvalho – Giám đốc bộ phận nghiên cứu các thị trường mới nổi của BNP Paribas cho biết.
Tạm biệt toàn cầu hoá, xin chào nội địa hoá
Đó là một tiêu đề phụ trong bản báo cáo dài 7 trang của BNP Paribas phân tích về những quốc gia sẽ được hưởng lợi sau khi dịch bệnh kết thúc và Trung Quốc không còn nắm giữ vị trí đầu tàu trong chuỗi sản xuất.
Một ví dụ điển hình trong thời gian gần đây là việc chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi các công ty dược phẩm sản xuất nhiều loại thuốc, vắc xin ngay tại các nhà máy sản xuất trên đất Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều việc làm sẽ được tạo ra cho người Mỹ. Tất nhiên, những nhà máy này trước đây đều sản xuất tại Trung Quốc, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh buộc họ phải sản xuất tập trung trong nước. Đó là cách biến rủi ro thành cơ hội và tận dụng vận may theo cách bạn muốn.
Các quốc gia có kết cấu kinh tế đa dạng, lao động dồi dào và đối tác thương mại đa dạng với thể chế mạnh, nền tảng kinh tế vững chắc, sẽ tiếp tục phát triển sau cơn bão. Tuy nhiên, một số quốc gia như Argentina, Ukraine có khả năng sẽ bị bỏ lại phía sau.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giao thương trên toàn thế giới bị ảnh hưởng như một phần hậu quả của quá trình toàn cầu hoá "hậu cao điểm". Khi một đại dịch toàn cầu làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến cho hầu hết các quốc gia lớn nhỏ phải đóng cửa biên giới, tất nhiên nó sẽ khiến GDP toàn cầu sụt giảm trong vài ba năm tiếp theo.
Khi đó, nhà cầm quyền của mỗi quốc gia sẽ phải vật lộn với bài toán chính sách thời kỳ hậu dịch bệnh. Khoảng cách giàu nghèo và gánh nặng thuế có thể khiến các công ty không có đủ khả năng tài chính dẫn tới sụp đổ. Điều này gần như chắc chắn với một quốc gia có thuế suất doanh nghiệp cao, chẳng hạn như Brazil (với thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 34%).
Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan là những quốc gia có lợi thế để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sau Trung Quốc bởi thặng dư thương mại những năm gần đây lớn và tỷ lệ thu nhập so với thuế suất thấp. Trong khi đó, Peru, Chile và Nga đối mặt với thâm hụt tài khoá trong một vài năm trở lại đây nhưng tỷ lệ nợ công thấp và gánh nặng thuế không quá cao. Nga cũng là quốc gia hưởng lợi từ nguồn dự trữ tiền mặt lớn từ các công ty nhà nước và là nguồn cung dầu khí lớn nhất thế giới.
"Các nền kinh tế khép kín với thị trường nội địa rộng lớn có hi vọng phục hồi tốt hơn do họ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi giao dịch thương mại quốc tế sụt giảm. Trong dố đó, Ấn Độ và Brazil có thể là hai nền kinh tế được hưởng lợi", các chuyên gia kinh tế của BNP nhận định.
Trong một số trường hợp, các quốc gia có thể tận dụng lợi thế thúc đẩy thương mại khi nhiều tập đoàn trong nước bắt đầu đa dạng hoá nguồn cung từ nhiều thị trường mới nổi khác nhau. Chẳng hạn, Hungary, Cộng hòa Séc và Ba Lan có thể trở thành trung tâm sản xuất cho các nước eurozone trong bối cảnh họ đang tìm cách chuyển nguồn cung ra khỏi Trung Quốc.
Mexico sẽ hưởng lợi nếu các công ty Hoa Kỳ lựa chọn rời bỏ châu Á để tìm về những người bạn láng giềng. Các đối tác khác của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á cũng có thể hưởng lợi sau khi chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Theo các nhà nghiên cứu của BNP nhận định dù kịch bản nào xảy ra, chắc chắn ngọn gió toàn cầu hoá sẽ không còn thổi theo một hướng duy nhất. Phương Đông đang trỗi dậy, nhưng những con đường một chiều đầy ổ gà của Trung Quốc sẽ không thể dễ dàng để lấp đầy trong "một sớm, một chiều".
"Chắc chắn sẽ không có cách nào để chúng ta quay trở lại điểm ban đầu như trước khi đại dịch diễn ra. Trung Quốc và Mỹ từng có mối quan hệ hợp tác quan trọng trong kinh tế và thương mại suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, bản chất của mối quan hệ đó sẽ thay đổi cơ bản. Nó sẽ không bao giờ quay trở lại như thời điểm bắt đầu mặc dù còn quá sớm để nhận định mối quan hệ này sẽ diễn ra theo chiều hướng nào", Jamie Metzl – một thành viên cao cấp của Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington nhận định.