Mở đầu bài viết với tựa đề “Việt Nam đang theo công thức tiền tệ của các “con hổ” châu Á để tăng trưởng kinh tế nhanh” đăng trên tạp chí Forbes, tác giả Salvatore Babones, một giáo sư xã hội học thuộc Đại học Sydney, nhấn mạnh kể từ khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng nhậm chức tháng 4/2016, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng từ mức 40 tỷ USD lên mức gần 55 tỷ USD vào cuối tuần trước.
NHNN dường như đang tận dụng đồng Việt Nam giảm giá để mua vào đồng đô la Mỹ, vốn liên tục mất giá trong năm qua. Khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào mạnh, cũng là khi tiền VND chịu áp lực tăng giá. Tác giả nhận xét Thống đốc Lê Minh Hưng có công trong việc cải thiện vị thế dự trữ của NHNN.
Tăng dự trữ ngoại ngối là đường lối đúng đắn đối với một nền kinh tế hướng tới xuất khẩu như Việt Nam. Nhật Bản và bốn “con hổ” châu Á khác gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore đã từng theo đuổi chiến lược tương tự trong những thời kỳ tăng tưởng kinh tế thần tốc của mỗi nước. Và đến giờ là Trung Quốc.
Trung Quốc đã để cho đồng nhân dân tệ trượt giá trong 15 năm đầu của giai đoạn cải cách, khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nhưng cũng nhiều biến động. Ngày 1/1/1994, Trung Quốc đã lần cuối thực hiện phá giá đồng nhân dân tệ mạnh để chuyển từ một đồng tiền được định giá cao sang vị thế được định giá thấp.
Trong vòng 20 năm sau, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã để cho đồng nội tệ tăng giá một cách từ từ và đều đặn, cũng là khoảng thời gian dự trữ ngoại hối của nước này đạt 4.000 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay trên thế giới.
Uy tín khi có một đồng nội tệ ổn định và tăng giá từ từ là tài nguyên tốt nhất mà một nước đang phát triển có thể sở hữu. Điều này góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bởi họ có thể tin tưởng đầu tư trong dài hạn với một sự đảm bảo rằng họ luôn có thể rút tiền về sau. Ngoài ra, vị thế này cũng khiến các nhà đầu tư trong nước lưu giữ tiền ở nước mình thay vì gửi ra nước ngoài.
Tác giả cũng cho rằng, một đồng tiền ổn định và luôn được định giá thấp còn có một tác dụng khác khi nó đóng vai trò như một thuế thu nhập lũy tiến có lợi cho người nghèo. Theo lập luận của tác giả, hiện tượng này đánh vào người giàu, những người vốn dành nhiều tiền cho việc mua hàng hóa nhập khẩu, trong khi người nghèo được lợi do họ thường chỉ mua các sản phẩm sản xuất trong nước như thực phẩm.
Một chiến lược giữ cho đồng nội tệ được định giá thấp để hỗ trợ xuất khẩu rất dễ thực hiện, chí ít là từ góc độ kỹ thuật. Tất cả các thống đốc ngân hàng trung ương có kỷ luật phải làm là bán đồng nội tệ khi đồng tiền đó có xu hướng tăng giá.
Hầu hết các nước đang phát triển thất bại do những người giàu muốn có một đồng tiền mạnh hơn, để họ có thể mua hàng xa xỉ nhập khẩu, đi nghỉ ở nước ngoài, và đem tiền ra nước khác với tỷ giá có lợi nhất. Điều này cản trở tăng trưởng và gây ra bất ổn.
Các nước có đồng tiền được định giá cao quá mức thường phải kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế hỗ trợ khẩn cấp khi bong bóng nổ tung.
Tác giả cho rằng, nếu Thống đốc Lê Minh Hưng và NHNN có thể tiếp tục theo đuổi chính sách duy trì tiền VND được định giá thấp nhưng tăng giá từ từ trong vòng 20 hay 30 năm nữa, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành con hổ thứ năm của châu Á.
Trong khi Trung Quốc đang mắc kẹt với vị thế thu nhập trung bình, Việt Nam có thể gây bất ngờ khi nhảy vọt trước khi tiến đến giữa thế kỷ này.
“Đây không phải là một dự báo, mà là một khả năng. Tốc độ thay đổi ở châu Á diễn ra thần kỳ, và Việt Nam đang dần trở thành một nước giữ nhịp cuộc chơi”, tác giả kết luận.