Khoảng một tuần trước, có một tin đồn lan truyền rộng rãi trong cộng đồng những khách hàng thuê mặt bằng của WeWork tại khu vực Waterloo, thủ đô London của Anh rằng: một người nghi bị nhiễm Covid-19 đang làm việc tại địa điểm này. Vì vậy, WeWork đã áp dụng những biện pháp mà công ty triển khai trước đó tại các văn phòng của mình ở các thành phố lớn từ Los Angeles, Denver, Seattle đến quận Manhattan tại New York, khi các trường hợp tương tự được chuẩn đoán tại đây.
Startup này cũng cử những đội vệ sinh đến để làm sạch hệ thống thang máy, sảnh đón tiếp và những không gian chung trong tòa nhà, nhằm mục tiêu đảm bảo sự hoạt động liên tục của công ty. Chỉ 2 ngày sau đó, các đơn vị thuê mặt bằng tá hỏa khi phát hiện ra rằng nhân viên của một đơn vị vệ sinh hợp đồng đã được chuẩn đoán nhiễm Covid-19.
Sau một thời gian đóng cửa, tòa nhà này đã mở cửa trở lại, nhưng vẫn còn đó những nghi ngại rằng một ngày nào đó, chính WeWork sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Khi mà hình thức làm việc tại nhà, cũng như những quy định không tập trung đông người đã dần trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của nhiều người. Khi nhiều doanh nghiệp áp dụng hình thức làm việc "tình thế" này, lĩnh vực "không gian làm việc chia sẻ" giờ đây không khác gì các khoản thế chấp bất động sản tại thời điểm năm 2008, trước khủng hoảng kinh tế.
Một cơ sở của WeWork. Ảnh: Bloomberg
Đó là còn chưa kể đến việc, WeWork tuy là công ty lớn nhất thế giới đang hoạt động trong lĩnh vực này với hơn 739 địa điểm cho thuê mặt bằng cùng với hơn 662.000 thành viên trên toàn cầu, nhưng trong năm ngoái, công ty đã "nổi như cồn" khi được ví như một startup của sự náo loạn, tham lam và sự ngạo mạn. SoftBank thậm chí đã phải bỏ ra 3 tỷ USD để tiến hành mua lại cổ phiếu từ các cổ đông. Và giờ đây, kỳ lân này có thể sớm trở thành một nạn nhân của dịch Covid-19.
WeWork từ chối đưa ra bình luận về tình hình tài chính và hoạt động của mình. Công ty cũng không có bất kỳ một phát biểu nào về dịch bệnh Covid-19 ngoài những thông tin đã được đăng tải trên website của công ty, cung cấp danh sách các tòa nhà đã đóng cửa hoàn toàn. Một vài biện pháp nhằm chống lại dịch bệnh đã được công ty này áp dụng như ngừng cung cấp phục vụ bữa sáng và đồ uống.
WeWork cũng cho dừng các sự kiện trên quy mô toàn cầu và tại Trung Quốc, công ty này khuyến khích các đơn vị thuê mặt bằng không tiến hành tiếp đón khách. Theo người phát ngôn của WeWork, các văn phòng đã được vệ sinh thường xuyên hơn. Họ cũng cho phép nhân viên của mình được làm việc tại nhà. "Kể từ khi dịch bệnh bùng nổ, WeWork đã luôn bám sát tình hình và đảm bảo các biện pháp được thực hiện kịp thời với các khuyến cáo đến từ các tổ chức y tế như CDC, WHO và chính quyền các địa phương, nhằm bảo vệ nhân viên cũng như khách hàng trên quy mô toàn thế giới".
Nhưng sau khi phỏng vấn các đơn vị thuê mặt bằng tại các địa điểm như London, New York, Washington, Santa Monica và Phoenix, tất cả các đơn vị trên đều cho biết nhân viên của mình đang bày tỏ sự quan ngại đối với WeWork, vì họ không muốn bị mắc bệnh.
"Tôi nghĩ WeWork là một nơi đầy rẫy rủi ro, trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng nổ mạnh như thời điểm hiện tại", theo Chase Feiger, một doanh nhân từng lọt vào danh sách Forbes 30 Under 30, người đang điều hành công ty đầu tư mạo hiểm RxDefine - đơn vị vừa mới thuê mặt bằng của WeWork tại Dallas, Santa Monica và San Francisco. Một công ty tư vấn lĩnh vực công nghệ là đơn vị thuê mặt bằng tại tòa nhà Brooklyn Heights thống kê rằng chỉ có khoảng 8 người đến làm việc trong một văn phòng có sức lên đến 100 người được thuê bởi một vài công ty khởi nghiệp trong ngày 16/3 vừa rồi.
"Họ mong muốn tránh xa nơi này nhiều như một đứa trẻ lúc nào cũng đòi bánh ngọt vậy", một cựu chuyên viên của WeWork cho biết.
Đó chính là "cơn bão" đánh trúng vào gót chân Achilles của WeWork. Công ty này cho phép các đơn vị thuê mặt bằng có thể ký hợp đồng theo từng tháng, và có đến 28% khách hàng của công ty chọn phương án này. Điều đó có nghĩa, các khách hàng sẽ có thể không gia hạn hợp đồng nếu như họ gặp khó khăn trong quá trình kinh doanh. Trong khi đó, phần lớn khách hàng còn lại cũng chỉ ký với WeWork các bản hợp đồng một năm.
Rõ ràng là rủi ro này có quan hệ mật thiết đối với dịch bệnh, khi mà mọi người cho rằng việc tiếp xúc gần với những nhóm người khác sẽ trở thành một rủi ro về mặt sức khỏe.
"Thật khó để tưởng tượng việc mọi người sẽ tiếp tục làm việc tại đây trong một vài tuần tới", theo một chủ doanh nghiệp tại New York, người đang muốn kết thúc hợp đồng thuê mặt bằng của mình với giá thuê lên đến 9.000 USD/ tháng, dự kiến sẽ hết hạn trong tháng 5. "Rủi ro mắc bệnh khi làm việc tại văn phòng của WeWork có lớn hơn so với khi chúng ta đưa lũ trẻ đến trường học của chúng không? Có thể là không, nhưng đó vẫn là một rủi ro".
"Họ đơn giản là đã thu về rất nhiều tiền", theo Jake Schwatz, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của General Assembly, một công ty giáo dục, đơn vị đã lên tiếng chỉ trích WeWork trong một thời gian dài. "Họ có thể không muốn nguồn thu đó bị cạn kiệt trong 1 đến 2 tháng tới, khi mà mọi người không đến đó làm việc và các đơn vị thuê mặt bằng sẽ không trả họ tiền".
Cựu CEO WeWork Adam Neumann rời công ty do mình đồng sáng lập vào năm ngoái. Ảnh: Getty Images.
Nói về tiền, trong tháng 1/2019, WeWork được định giá ở mức 47 tỷ USD. Nhà đồng sáng lập kiêm CEO của công ty Adam Neumann đã vung tiền như kiểu anh ta là bá chủ thành Rome vậy. Neumann đã chi tiền để đón khoảng 2.000 nhân viên của WeWork từ 15 quốc gia khác nhau đến với một vùng quê nước Anh, nơi họ tổ chức tiệc tùng trong 3 ngày liền. Một lần khác, anh ấy đã bỏ ra 60 triệu USD để mua chiếc chuyên cơ xa xỉ Gulfstream G650.
Khi mà công ty đang trên đà phát triển, Neumann được coi như là một nhân vật có tầm nhìn và một lãnh đạo có sức lôi cuốn lớn. "Masa đã quay sang tôi và hỏi rằng: Trong một trận chiến, ai sẽ chiến thắng: người thông minh hay kẻ điên rồ?", Neumann chia sẻ với các phóng viên Forbes trong một buổi phỏng vấn vào năm 2017. Masa ở đây chính là Masayoni Son, CEO của SoftBank. "Tôi đã trả lời rằng: "kẻ điên rồ". Ông ấy nhìn thẳng vào tôi và nói:"Cậu đã đúng, nhưng cậu và Migel (nhà đồng sáng lập của WeWork) thì chưa đủ độ điên". Vào thời điểm Neumann bắt buộc phải rời bỏ công ty, anh ta được mọi người nhìn nhận như một kẻ tham lam, một gã hề vụ lợi.
Theo thông tin trong hồ sơ xin IPO của WeWork, công ty cho biết khoản thua lỗ của công ty đã chạm ngưỡng 1,9 tỷ USD và doanh thu của công ty trong năm 2018 là 1,8 tỷ USD. Con số này sau đó còn tiếp tục tăng lên. Chỉ trong quý III/2019, công ty này đã lỗ khoảng 1,25 tỷ USD. 3 quý đầu tiên của năm 2019 ghi nhận khoản lỗ lên đến 2,6 tỷ USD, trong khi doanh thu của công ty chỉ dừng lại ở 2,4 tỷ USD.
WeWork không công bố bất cứ một báo cáo tài chính nào kể từ sau thời điểm đó. Tuy nhiên, các "chủ nợ" của công ty này lại tỏ ra đứng ngồi không yên. Họ quan ngại về khả năng thanh toán khoản nợ lến đến 675 triệu USD mà công ty đã vay trong tháng 4/2018. Giá trái phiếu thương mại của WeWork rớt thảm hại xuống chỉ còn 0,65 USD vào hôm 13/3 vừa qua, theo CapIQ. Chỉ những công ty đang rơi vào tình trạng không thể trả nợ và sắp phá sản mới có giá trái phiếu thấp như vậy.
SoftBank có động thái muốn rút khỏi một phần kế hoạch của mình khi thông báo tới các cổ đông hôm 17/3 vừa rồi rằng công ty này không thể hoàn thành thương vụ mua lại 3 tỷ USD cổ phiếu của WeWork, trong đó bao gồm cả phần của Neumann. Kế hoạch này cũng khiến cho khoản tiền 1,1 tỷ USD công ty này hứa cho WeWork vay sau khi quá trình mua lại cổ phiếu kết thúc bị đình trệ. Tuy nhiên điều này không ảnh hưởng đến số tiền 5 tỷ USD mà SoftBank cam kết cho WeWork vay hồi mùa thu năm ngoái, trước khi dịch bệnh Covid-19 có tác động mạnh mẽ lên mô hình kinh doanh không gian chia sẻ.
SoftBank đã từ chối đưa ra bình luận, nhưng theo một nguồn thạo tin, công ty này đã không thể đáp ứng đủ các điều kiện để thực hiện thương vụ mua lại cổ phiếu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó cũng có thể là một chiêu trò của SoftBank để giảm giá cổ phiếu hoặc công ty này muốn chờ cho tới khi thị trường ổn định trở lại.
WeWork hoạt động đến thời điểm hiện tại chủ yếu là nhờ vào các khoản tài trợ cũng như khoản tiền thu về từ các thương vụ bán tài sản. Trong tháng 10/2019, công ty nhận 5 tỷ USD từ SoftBank. Công ty cũng sa thải hơn 2.400 nhân sự (và con số này có thể sẽ tăng thêm) và phải bán lỗ một số tài sản mà công ty đang sở hữu, trong đó bao gồm công ty khởi nghiệp Managed by Q và 23% cổ phần tại The Wing. Trong tháng 3 này, công ty cho biết đã đạt được thỏa thuận bán tòa nhà nổi tiếng Lord & Taylor tại thành phố New York cho Amazon với giá 1,15 tỷ USD. Khoản lỗ trong thương vụ này có thể lên đến cả trăm triệu USD.
Ngay cả khi công ty đang phát triển thịnh vượng nhất, các căn bếp chung của WeWork trông chẳng khác gì một bếp ăn trong khu ký túc xa hơn là một nhà hàng. Will Hailer, một cộng tác viên cho công ty truyền thông eStreet, người làm việc trong một cơ sở của WeWork tại thành phố Washington D.C cho biết anh không hề nhìn thấy bất kỳ sự tăng thêm về số lượng nào của các hoạt động vệ sinh, cũng như sự xuất hiện của nước rửa tay.
"Thứ kinh tởm nhất đó là khi bạn muốn thử một chút đồ uống lạnh, bạn phải để chiếc cốc kim loại của bạn vào trong máy làm lạnh, và bạn thử nghĩ xem, có đến 200 bàn tay của con người tiếp xúc với cỗ máy này mỗi ngày". Trong khi Hailer cho biết anh rất thích không khí làm việc tại các không gian chia sẻ, nhưng anh không thể nào hài lòng với cách làm việc hiện tại của WeWork. Anh sẽ có thể cân nhắc đến những lựa chọn mới.
Tại Santa Monica, có rất ít nhân viên các công ty đến văn phòng của WeWork để làm việc. Các nhà sáng lập của Path, một công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp các liệu pháp cai nghiện, cho biết 6 nhân viên của mình đã bắt đầu làm việc tại nhà từ hôm 17/3. Nhà đồng sáng lập và CEO Josh Bruno đang lên kế hoạch cho nhân viên làm việc tại nhà trong 3 tháng tới. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn duy trỳ hợp đồng thuê mặt bằng với WeWork, với số tiền công ty phải trả rơi vào khoảng 5.000 USD/tháng, và Bruno vẫn chưa có ý định chấm dứt hợp đồng. Nhưng nhà sáng lập Gabe Diop cho biết, ngay cả khi Path ở lại, thì nhiều công ty khác cũng sẽ ra đi.
"Tôi biết một vài nhà sáng lập khác đã cân nhắc về việc chuyển đến một địa điểm mới khi quy mô của họ tăng lên. Đó là phân tích chi phí mà bạn buộc phải thực hiện. Tôi nghĩ, tình hình hiện tại có thể sẽ khiến họ nhanh chóng đưa ra quyết định của mình hơn".
Tính tới thời điểm hiện tại, chưa một thành phố nào tại Mỹ yêu cầu WeWork phải đóng cửa các cơ sở của mình, tuy nhiên, tại khu vực vùng vịnh San Francisco (nơi WeWork có tới 27 cơ sở), chính quyền đã thắt chặt các quy định yêu cầu người dân hạn chế đi ra ngoài, và các cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu cũng phải tạm dừng hoạt động.
Khi mà số ca mắc Covid-19 tăng nhanh và chính phủ đang nỗ lực nhằm hạn chế đà lây lan của dịch bệnh, các cơ sở của WeWork và các tòa nhà văn phòng có thể sẽ bị buộc phải đóng cửa. Một vài đối thủ của WeWork đã tự nguyện chấp hành khuyến cáo này. The Wing thông báo hôm 13/3 rằng tất cả 11 cơ sở của công ty sẽ chính thức đóng cửa ít nhất cho tới cuối tháng 3.
Nhưng đây cũng có thể coi là một bước đệm cho công ty có trụ sở tại New York này kể từ khi startup này thất bại trong thương vụ IPO hồi năm ngoái, khi mà virus corona đã làm "sống lại" những nhu cầu vốn đã không được để tâm bởi các khách hàng của WeWork trong suốt thời gian qua.
Ví dụ, Goldman Sachs đã thuê nguyên một tầng trong tòa nhà văn phòng của WeWork tại thủ đô London, Anh. Họ sử dụng địa điểm này cho những nhu cầu khẩn cấp, cho dù ở thời điểm hiện tại không một nhân viên của ngân hàng này làm việc tại đây. "Đó chính là tâm lý cảnh giác về một điều tồi tệ sắp xảy ra", theo Joe Brady, CEO chi nhánh tại Mỹ của Instant Group.
"Trong thời điểm này mà bạn lại muốn tìm mặt bằng mới. Điều đó nghe có vẻ như thật điên rồ. Nhưng hãy tưởng tượng mà xem, khi dịch bệnh đang bùng phát ngoài kia, bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu như có một tầng hầm ngầm kiên cố". Nhưng câu hỏi lớn đặt ra cho WeWork đó là còn có bao nhiêu các khách hàng lớn mà công ty này có thể tiếp tục hợp tác, ngay cả khi công ty này giảm giá thuê mặt bằng cho họ?
"Chúng tôi sắp bị ném vào một vòng xoáy mà các hoạt động bị đình trệ", theo Laura Kozelouzek, nhà sáng lập kiêm CEO của Ques Workplace, một đối thủ nhỏ hơn đang cạnh tranh với WeWork, người đã tham gia thị trường này trong vòng 30 năm qua.
"Nếu như một công ty trong ngành không thể kiếm đủ tiền để "tự lực cánh sinh" trước khi dịch bệnh bùng nổ, thử hỏi họ sẽ làm thế nào để làm việc với các khách hàng, nhằm đảm bảo sự thành công của họ"?