Sau hơn 2 năm vận hành nhà máy thép tích hợp đầu tiên tại Việt Nam, liệu nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh (FHS) có thực sự muốn thực hiện kế hoạch xây lò cao số 3 khi nhu cầu tiêu thụ bắt đầu suy yếu?
Tham vọng của Formosa Hà Tĩnh
Gia nhập thị trường Việt Nam, FHS muốn đưa Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất thép, thay vì phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản…như hiện tại. Một trong những động lực để FHS xây dựng nhà máy tại Hà Tĩnh là Việt Nam có nhu cầu thép thành phẩm lớn.
Năm 2016, Việt Nam đã vượt Thái Lan trở thành nước tiêu thụ thép lớn nhất tại Đông Nam Á. Nhu cầu đã gấp đôi so với 10 năm trước do sự bùng nổ của lĩnh vực xây dựng, Nikkei Asian Review cho biết.
Năm 2016, Việt Nam đã vượt Thái Lan trở thành nước tiêu thụ thép lớn nhất tại Đông Nam Á. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Hiện nhà máy thép của FHS có công suất đạt 7,1 triệu tấn thép thô mỗi năm. Con số này chưa bằng 10% so với công suất của ngành thép Nhật Bản (hiện là hơn 100 triệu tấn/năm).
FHS sẵn sàng mở rộng nhà máy thép tại Hà Tĩnh bởi diện tích đất trống xung quanh vẫn lớn, theo một nguồn tin nội bộ. Về dài hạn, tập đoàn dự kiến nâng sản lượng thép thô hàng năm lên 22,5 triệu tấn, gấp 3 lần so với hiện tại.
Không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam, FHS còn hướng tới xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á khác vì nhu cầu trong ngành công nghiệp ôtô và xây dựng hạ tầng tại khu vực này ngày càng lớn. Đó là cũng là lý do tập đoàn muốn sản xuất các sản phẩm thép có giá trị gia tăng hướng tới phục vụ cho ngành ôtô.
Để thâm nhập vào thị trường này, FHS dự định sẽ hợp tác với cổ đông Nhật Bản, JFE Steel. “Hợp tác với JFE là điều tất yếu nếu muốn mở rộng dòng sản phẩm và cải thiện chất lượng. Chúng tôi sẽ tăng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng”, Chủ tịch Chen của FHS nói.
Lo sợ mắc bẫy như ngành thép Trung Quốc
Tuy nhiên, FHS không muốn rơi vào một cái bẫy giống như ngành thép Trung Quốc đang gặp phải, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu có xu hướng giảm trong vài năm gần đây.
Vài năm trước, các hãng sản xuất thép của Trung Quốc không có đủ động lực để tự giảm sản lượng, bởi việc dừng hoạt động lò cao khi đã đốt lửa không dễ dàng. Kết quả, họ bắt đầu bán phá giá các sản phẩm dư thừa ra thị trường thế giới. Giá giảm mạnh và ngành thép toàn cầu vì thế mà “chịu trận” theo.
FHS hy vọng sẽ hoàn tất kế hoạch xây dựng lò cao số 3 vào cuối năm nay nhưng tập đoàn sẽ thận trọng nghiên cứu vấn đề này vì giá thép đang giảm, Chủ tịch FHS Chen Yuan-Cheng cho biết.
Liệu nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh (FHS) có thực sự muốn thực hiện kế hoạch xây lò cao số 3. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Bình luận này được đưa ra trong bối cảnh ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức đến từ Mỹ. Ngày 2/7, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp thuế tối đa 456% lên các sản phẩm thép của Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Nói cách khác, biện pháp phòng vệ thương mại này nhằm vào các sản phẩm thép carbon chống ăn mòn và thép cán nguội được gia công tại Việt Nam nhưng sử dụng nguyên liệu ban đầu (thép cán nóng) được nhập khẩu từ 2 quốc gia, vùng lãnh thổ trên.
Trước quyết định này của Bộ Thương mại Mỹ, chính phủ Việt Nam khuyến khích các nhà sản xuất thép sử dụng nguồn nguyên liệu được sản xuất ngay trong nước.
Vì vậy, FHS được cho là sẽ được lợi từ động thái này của Washington. Nhu cầu thép cuộn cán nóng từ Nhật Bản và FHS được dự báo sẽ tăng trong bối cảnh các công ty phải tìm nguồn cung thay thế cho vật liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Trong khi đó, FHS hiện là nhà sản xuất thép cuộn cán nóng duy nhất tại Việt Nam.
Nikkei nhận định, quyết định của Mỹ, dù không liên quan trực tiếp tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, lại trở thành lợi thế cho FHS. Tuy nhiên, tập đoàn cho biết vẫn phải theo dõi sát sao diễn biến của cuộc chiến thương mại.
Với sự xuất hiện của FHS, Việt Nam được xem là quốc gia có thể gây ảnh hưởng đến giá thép trên toàn khu vực.