Đó là những chia sẻ của ông Ken Atkinson, Nhà sáng lập, Tư vấn cấp cao Hội đồng quản trị Grant Thornton Vietnam, đồng thời là Phó Chủ tịch của Hiệp hội Tư vấn Du lịch (TAB) và Thành viên Hội đồng quản trị Hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam.
Thành lập Grant Thornton Vietnam từ năm 1993, ông Ken Atkinson đã sống gần 30 năm ở Việt Nam. Trong buổi trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Ken cho biết ông rất may mắn khi có hai quốc tịch. "Tôi là người Việt Nam và người Anh. Vợ tôi là người Việt và chúng tôi có một cậu con trai 3 tuổi rưỡi" – ông chia sẻ đầy tự hào.
Đề cập đến cơ hội thu hút FDI của Việt Nam giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, ông Ken Atkinson khẳng định: "FDI của Việt Nam trong năm nay dự kiến sẽ chỉ giảm 10% hoặc ít hơn so với năm ngoái. Với tình hình hiện tại, tôi cho rằng điều này rất khả quan".
8 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông có suy nghĩ gì về con số này?
Tôi cho rằng đây là con số đáng mừng. Nếu nhìn vào tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như các biện pháp hạn chế đi lại thì Việt Nam đang làm khá tốt. Trên thực tế, vốn đăng ký mới trong 8 tháng đầu năm thực sự chỉ giảm 5-6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tôi tin rằng khi các quy định hạn chế đi lại đã được dỡ bỏ, con số này sẽ được cải thiện hơn nhiều. Dự kiến cả năm, mức giảm so với cùng kỳ năm ngoái sẽ chỉ là 10% hoặc ít hơn. Với tình hình hiện tại thì điều này rất khả quan.
Ngoài ra, tôi nghĩ ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp Úc, Hoa Kỳ do căng thẳng thương mại.
Tin tức về bất ổn thương mại giữa hai bên đã tạo ra nhiều lo ngại, đồng thời đặt dấu hỏi về sự ổn định và an toàn của khi đầu tư vào Trung Quốc.
Nhìn chung, phần lớn doanh nghiệp sẽ không chọn những điểm đến đầu tư không có tính ổn định. Vì vậy tôi nghĩ Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn hiện nay.
Hơn nữa, hiện nay Thái Lan cũng đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị. Điều này một lần nữa cho thấy các thị trường cạnh tranh của Việt Nam như Thái Lan, Myanmar, Indonesia và Philippines đều đang đối mặt với nhiều vấn đề lớn.
Do vậy, tôi cho rằng trong tương lai gần, khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ hoàn toàn, Việt Nam sẽ thực sự vượt lên về thu hút FDI.
Hiện nay, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ,.. đều đang có những chính sách ưu đãi sản xuất mới. Đặc biệt, Ấn Độ mới công bố một chương trình ưu đãi sản xuất đặc biệt, khoảng 5,5 tỷ USD trong 5 năm cho 5 công ty sản xuất điện thoại thông minh. Trung Quốc cũng đang tìm mọi cách giữ chân các nhà đầu tư. Trước cuộc đua thu hút FDI ngày càng quyết liệt, Việt Nam cần làm gì để đón được luồng FDI đang dịch chuyển này?
Trước hết, hiện nay Việt Nam đang ở trong tình thế khó có thể đưa ra các gói cứu trợ mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có khả năng đưa ra các ưu đãi.
Do vậy, tôi cho rằng trong tương lai, chúng ta sẽ tiếp tục thấy những ưu đãi dành cho lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt là ngành công nghệ cao.
Đương nhiên là Chính phủ cũng cần cân đối ngân sách Nhà nước. Với tình hình hiện nay, chúng ta đã áp dụng việc giảm thuế cho nhiều doanh nghiệp dẫn đến thu ngân sách giảm sẽ là một thách thức lớn.
Tuy nhiên, về tổng thể Việt Nam vẫn sẽ nổi bật hơn Ấn Độ, Thái Lan, Philippines và Myanmar. Như tôi đã nói ở trước, bất ổn chính trị sẽ là rào cản lớn đối với quyết định đầu tư của các doanh nghiệp.
Hay như đối với Campuchia, dân số cũng như lực lượng lao động của đất nước này tương đối nhỏ so với Việt Nam. Do vậy, tôi nghĩ Việt Nam vẫn rất nổi bật và là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đồng thời là điểm đến hàng đầu đối với các doanh nghiệp muốn rút ra khỏi Trung Quốc.
Theo ông, Việt Nam cần điều chỉnh những chính sách gì để thu hút thêm vốn FDI?
Theo tôi thì Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc thu hút FDI. Một trong số đó là thủ tục. Đơn giản như quá trình đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam cũng mất rất nhiều thời gian để có được giấy phép.
Quá trình vận hành hiện nay vẫn có tình trạng "nồi tròn vung méo", đặc biệt trong lĩnh vực thuế và hải quan.
Tôi cho rằng Việt Nam cần phải tập trung vào những thách thức được các nhà đầu tư nước ngoài đặt ra, đảm bảo những điều này được khắc phục và rút gọn.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cũng nhận thấy những điều này và đã thông qua các quy định. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại tình trạng chính quyền trung ương thông qua nhưng lại bị tắc nghẽn ở cấp tỉnh, hoặc cấp địa phương.
Vậy ông cho rằng hạn chế nào lớn nhất trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay?
Hạn chế lớn nhất hiện nay liên quan đến vấn đề quản trị và tính minh bạch, cũng như thiếu sự quản lý ở các cấp địa phương.
Mặc dù đã tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế quốc tế với việc ký nhiều FTA nhưng tỷ lệ vốn FDI châu Âu, Mỹ vào Việt Nam khá ít. Tiếp xúc với các nhà đầu tư tiềm năng, ông thấy vấn đề nằm ở đâu?
Tôi nghĩ rằng chúng ta cần xem xét kĩ về tỷ lệ vốn FDI thực chất từ châu Âu, Mỹ vào Việt Nam. Lý do là đầu tư từ những khu vực này thường thông qua một nước thứ ba.
Ví dụ như hiện nay, Singapore đang là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các khoản đầu tư thực chất không phải của Singapore, mà là từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư thông qua các tổ chức trung gian hoặc thông qua các tổ chức mà họ thành lập ở Singapore.
Tôi không nhớ con số cụ thể, nhưng theo AmCham thì phần lớn tỷ lệ đầu tư từ Singapore đều từ Mỹ.
Tương tự đối với châu Âu, khi phần lớn đầu tư vào Việt Nam từ khu vực này đều là gián tiếp hoặc thông qua nước thứ ba.
Tuy nhiên, các khu vực "thiên đường thuế" như Samoa (quốc gia nằm ở phía Tây Quần đảo Samoa, nam Thái Bình Dương) hay British Virgin Islands (lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh, nằm tại khu vực Caribe) hiện đang đứng thứ 5 và 6 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong tương lai, các doanh nghiệp châu Âu sẽ đầu tư vào Việt Nam thông qua các khu vực này.
Mặc dù vậy, hiện nay chúng ta đang có một vấn đề đó là hầu hết các khoản đầu tư từ châu Âu đều của các công ty đa quốc gia và công ty đại chúng. Vì vậy, chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ những quốc gia trong khu vực này.
Vậy ông nghĩ gì về các điểm bất lợi trong các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam?
Điển hình như hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8 vừa qua, tôi nghĩ một trong những thách thức lớn nhất là làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam thực sự nắm rõ các quy định và và hiểu rõ về chúng.
Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi các quy tắc xuất xứ là phức tạp.
Mặc dù hiệp định đã chính thức có hiệu lực nhưng doanh nghiệp vẫn cần tìm hiểu các quy định để tận dụng lợi thế của EVFTA, trong đó bao gồm việc cắt giảm thuế quan.
Ông có lời khuyên nào về việc đẩy mạnh M&A doanh nghiệp với khu vực FDI?
Chúng ta đã có rất nhiều các thương vụ mua bán và sáp nhập. Trong quá trình các nhà đầu tư thực hiện thẩm định, tôi thường nhận được phàn nàn về việc quản trị thiếu minh bạch, hay các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi các điều khoản thỏa thuận giữa chừng trong giao dịch.
Điều này sẽ dẫn đến sự thiếu minh bạch về tài chính. Do vậy, tôi nghĩ các doanh nghiệp cần cải thiện vấn đề này.
Theo ông, trong số các ngành kinh tế hậu Covid-19 ở Việt Nam, ngành nào dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh vào cuối năm 2020 và năm 2021?
Tôi cho rằng với con số FDI hiện tại, chúng ta có thể lạc quan về việc cải thiện các dự án FDI cũng như mở rộng các dự án hiện có. Đồng thời, các ngành sản xuất, đặc biệt là điện thoại, ứng dụng công nghệ đồ điện tử, đồ nội thất, thực phẩm biển đang và sẽ tăng nhanh.
Cá nhân tôi cho rằng ngành sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất để quay về mức trước giai đoạn đại dịch Covid-19 đó là dệt may và da giày.
Lý do là chúng ta có nhiều thị trường cạnh tranh, ví dụ như Bangadesh. Tuy nhiên, mức độ quản trị, tính minh bạch và quyền lợi lao động của họ vẫn đang rất thấp. Điều này sẽ là rào cản lớn khi các doanh nghiệp muốn đầu tư và hợp tác.
Tiếp theo tất nhiên là lĩnh vực công nghệ. Đây cũng sẽ là một ngành có tiềm năng phát triển mạnh trong giai đoạn sắp tới. Ngoài ra, dự kiến sẽ có nhiều doanh nghiệp startup đầu tư vào công nghệ và fintech.
Cuối cùng là lĩnh vực năng lượng mà chúng ta vừa nói đến, cụ thể là năng lượng tái tạo. Đây sẽ là lĩnh vực được đầu tư đáng kể trong thời gian tới.
Ông có đề cập đến đồ nội thất cũng sẽ tăng trưởng mạnh? Ông có thể giải thích về điều này?
Tôi cho rằng các thị trường như Hoa Kỳ, một thị trường lớn cho xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam đang có những thay đổi khiến tiềm năng ngành sản xuất này sẽ lớn hơn.
Hiện nay, người dân không đi du lịch, họ cũng không nghỉ ngơi, họ bận bịu ở nhà với việc thay đổi thói quen làm việc tại nhà. Vì vậy họ sẽ để ý nhiều hơn về nội thất trong nhà của mình. Từ đó, nhu cầu về thay đổi nội thất của ngôi nhà để giúp làm việc tại nhà hiệu quả hơn sẽ tăng mạnh.
Rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nội thất mà tôi biết ở Việt Nam nói rằng doanh số của họ thời gian vừa qua cao hơn rất nhiều so với những năm trước. Và tôi cho rằng điều này cũng xảy ra tương tự ở thị trường châu Âu.