Cuộc đua đốt tiền
Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance, thị trường công nghệ tài chính Việt Nam năm 2017 đã đạt 4,4 tỷ USD và dự đoán sẽ đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Fintech là lĩnh vực dẫn đầu thu hút vốn đầu tư trong năm với 8 thương vụ, tổng giá trị 117 triệu USD. Kế sau đó là Thương mại điện tử với 5 thương vụ trị giá 104 triệu USD; Công nghệ du lịch với 8 thương vụ tổng giá trị 64 triệu USD; lĩnh vực logistics và công nghệ giáo dục thu hút khoản đầu tư giá trị hơn 50 triệu USD.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới vào tháng 7/2018, Việt Nam là quốc gia có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực khi chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, còn Thái Lan là 59,7%.
Mới đây, để thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam, Chính phủ đã yêu cầu không dùng tiền mặt thanh toán tiền điện, nước, học phí ở đô thị, đồng thời yêu cầu thực hiện trước tháng 12/2019. Thanh toán điện tử là một trong những biện pháp được Chính phủ đẩy mạnh nhằm thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang kinh tế số. Bên cạnh sự khuyến khích từ Nhà nước, thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam đang có những lợi thế phát triển nhờ cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và một tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng.
Nhìn trước tiềm năng, trong nhiều năm qua các quỹ đầu tư liên tục hợp tác, rót vốn vào những nền tảng thanh toán đã có sẵn mối quan hệ với các đối tác ngân hàng trên thị trường. Có thể kể đến như MOL Access Portal Sdn, BHD (Malaysia) đầu tư vào Ngân Lượng năm 2013, Standard Chartered và Goldman Sachs đầu tư vào MoMo cũng trong năm này, NTT Data đầu tư vào Payoo từ 2011, SEA Group hợp tác cùng Vietnam Esports vào AirPay năm 2015, CTCP giải pháp thanh toán Việt Nam vào VnPay năm 2017. Hay gần đây nhất là Ascend Money (Thái Lan) đầu tư vào 1Pay năm 2017, Grab đầu tư vào Moca năm 2018.
Để mở rộng quy mô, thay đổi hành vi, startup không đủ nhà để bán
Thị trường ví điện tử hứa hẹn sẽ gay cấn và bùng nổ hơn nữa trong thời gian tới khi trước những động thái quyết liệt từ Chính phủ như hiện nay. Thế nhưng ít ai biết những ví điện tử đời đầu như Moca, Mobivi, MoMo từng có giai đoạn chật vật để tồn tại.
"Tôi tham gia nhóm đầu tiên sáng lập ví điện tử cùng thời với MoMo, sau đó có làm việc vài năm cho ngân hàng, rồi bắt đầu xây dựng Moca. Đã có nhiều thay đổi, thăng trầm và phần lớn thách thức mà chúng tôi đối mặt ở những thời điểm khác nhau trong hơn 10 năm qua và chúng tôi phải đưa ra lựa chọn để vượt qua những thách thức đó. Moca là công ty thanh toán thứ hai của tôi tại Việt Nam và gặp rất nhiều khó khăn thời kỳ đầu.
Giai đoạn 2013-2015, gần như không có mối quan tâm hay đồng vốn nào đổ vào lĩnh vực thanh toán di động. Thời đó có MoMo, Mobivi, Payoo nhưng phần lớn các công ty này không hề thành công trong 5 năm đầu tiên. Rất ít người quan tâm đến mảng thanh toán, hầu hết mọi người đều nghĩ thanh toán, đặc biệt thanh toán bán lẻ là ngành rất thách thức và khó làm tại Việt Nam.
Giám đốc một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam khi biết tôi làm thanh toán cho bán lẻ đã trả lời "không quan tâm" do ngành này quá rủi ro, trong khi biên lợi nhuận quá thấp. Có một câu chuyện mà tôi không hề xấu hổ khi kể lại, đó là giai đoạn làm ăn quá khó khăn tôi đã phải bán nhà để có thể tiếp tục làm kinh doanh", ông Trần Thanh Nam - nhà đồng sáng lập Moca kể lại trong sự kiện Tech Summit do Forbes tổ chức mới đây.
Ông Trần Thanh Nam- nhà đồng sáng lập Moca
Sau 5 năm hoạt động, tháng 9/2019 Moca quyết định hợp tác cùng Grab. Phía Grab đánh giá Moca có sản phẩm tốt và có mối quan hệ với nhiều ngân hàng, đối tác như 7-Eleven, McDonald’s và khoảng 4.000 điểm chấp nhận thanh toán, chủ yếu trong lĩnh vực tiêu dùng, giao thông vận tải, giáo dục, nhà hàng, thời trang. Sau một thời gian hợp tác với Moca, Grab đang gặt hái được thắng lợi khi bắt đầu mở rộng sang các dịch vụ khác trong hệ sinh thái như đặt đồ ăn, giao hàng.
Nói về quyết định về cùng nhà với Grab, ông Nam cho biết, thời điểm này Uber, Grab và tất cả những tay chơi lớn khác bao gồm cả MoMo, Zalo… đều khá thành công trong cách thay đổi hành vi, ứng xử của người tiêu dùng, trong việc phát triển rộng rãi của ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ di động. Thị trường minh bạch hơn, nhiều tay chơi khu vực và quốc tế tham gia vào hơn.
"Lúc đánh giá khả năng thu hút đầu tư được hàng triệu đô la Mỹ, chúng tôi quyết định hợp tác với Grab. Những thay đổi xu hướng trên thị trường khiến chúng tôi cảm thấy hợp tác với Grab là một lựa chọn hợp lý hơn với mong muốn thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
Để vượt qua những khó khăn thời đầu bạn có thể mượn tiền người thân, bạn bè hay bán nhà nhưng khi cần mở rộng quy mô, hướng đến hàng triệu người tiêu dùng với xu hướng mới, hành vi ứng xử mới, bạn không đủ nhà để bán.
Để nhân rộng quy mô nhanh như vậy, bạn chỉ có cách hợp tác với đối tác đang chạm đến hàng triệu người dùng như Grab", doanh nhân này chia sẻ lý do chính khi chọn Grab để nhanh chóng mở rộng quy mô của Moca.