Tại sự kiện ra mắt Mạng lưới nhân tài công nghệ Việt Nam (Vietnam Tech Talent Network) của Endeavor Việt Nam diễn ra ngày 24/3, ông Christopher Nguyễn, Chủ tịch, CEO của Arimo, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo (AI) hiện nay đã nhấn mạnh rõ vai trò của CTO (Chief Technology Officer - Giám đốc công nghệ) trong doanh nghiệp.
Về những nguyên tắc để trở thành một CTO, ông Christopher cho rằng, một CTO giỏi không nhất thiết phải là một kỹ sư giỏi. Liên hệ với bản thân, ông nói rằng: "Tôi có thể làm ra các quy trình liên kết sản phẩm, nhưng tôi biết rằng sẽ có những người giỏi hơn tôi nhiều trong việc đó".
Yếu tố thứ hai đó là vai trò của CTO phải rất đa dạng. Đặc biệt, tại các doanh nghiệp nhỏ, CTO sẽ chịu trách nhiệm về hầu hết các vấn đề trong công việc. Đại diện Arimo kể lại, ông từng đến Malaysia, Singapore và thành lập công ty cùng người bạn Steve đến từ Berkeley, California, ông giữ vị trí là CTO do biết về công nghệ, còn ông Steve làm CEO bởi giỏi công việc kinh doanh.
Một năm sau đó, khi ngồi lại, ông Christopher Nguyễn được yêu cầu vẽ ra một sơ đồ sản phẩm với "nhu cầu của khách hàng nằm ở trục tung, trục hoành là những sản phẩm có sẵn". "Khi ấy, tôi nhìn chằm chằm vào sơ đồ và tự hỏi: Tại sao tôi lại phải làm việc này? Tôi đang quản lý kỹ sư, tư vấn và đảm nhận các việc khác cơ mà".
"Trong khi tôi bối rối, Steve nói rằng tôi là người làm tốt nhất công việc này. Đến lúc ấy tôi mới nhận ra rằng, trọng trách của tôi là làm những việc cần thiết cho công ty", ông Christopher nói.
Như vậy, vai trò của CTO là phải tìm ra vấn đề và giải quyết chúng, bên cạnh những vai trò cụ thể như lập bản đồ sản phẩm, tìm hiểu công nghệ và nhu cầu của khách hàng.
Bàn về công nghệ, ông Christopher Nguyễn đặt câu hỏi: Thế nào là một công ty công nghệ? Điều gì tạo nên công ty công nghệ hay phi công nghệ tại Thung lũng Silicon ngày nay?
"Thực tế, mọi thứ xung quanh chúng ta, tại một thời điểm nào đó đều được gọi là công nghệ. Ngay cả chiếc ghế bạn đang ngồi cũng là công nghệ. Có một câu đùa rằng: 'Công nghệ là những thứ chưa hoàn thiện'. Như vậy, công nghệ bản chất là cái mới", ông Christopher nhận định.
Theo đó, ông đưa ra lời khuyên, không quan trọng là bạn muốn làm việc trong một công ty công nghệ hay bạn muốn đảm nhận một vị trí trong lĩnh vực công nghệ. Bởi sẽ có những người giỏi về công nghệ, những người khác có thể giỏi về tiếp thị, truyền thông... ở trong công ty công nghệ.
"Mấu chốt là khi chọn công ty, hãy làm việc cho một công ty gắn liền với nền kinh tế mới. Khi ấy, bạn có thể nhìn ra đâu là công ty mình nên vào làm, đâu là công ty nên đầu tư vào hoặc thậm chí đâu là công ty mình muốn xây dựng".
Từng làm việc tại châu Áu hơn 1 thập kỷ (giai đoạn từ năm 1994 đến 2006), ông Christopher Nguyễn kể lại, lúc ấy nền kinh tế chủ yếu bao gồm các hoạt động bán hàng, không phải là nền kinh tế kỹ thuật hay sáng tạo.
"Về cơ bản, công nghệ tạo ra ở Thung lũng Silicon được bán lại tại châu Á với giá cao hơn. Năm 1997, tôi cũng tham gia vào việc xây dựng hệ thống kết nối Internet đầu tiên tại Hà Nội, sau này bán lại cho Netscape, rồi lại bán lại cho một công ty công nghệ trạm kiểm soát khác. Như vậy, chúng tôi tạo ra giá trị tích lũy nhưng không tạo ra công nghệ lõi".
Theo ông Christopher, châu Á nói chung và Việt Nam ngày càng có tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp sáng tạo, nhờ vào số lượng lớn đội ngũ lao động có tay nghề cao. Bên cạnh đó, các công ty Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trên trường quốc tế. "Vingroup là một ví dụ điển hình, tôi rất mong đợi để mua một chiếc ô tô của VinFast tại thị trường Mỹ".
Để có được vị thế trên toàn cầu, doanh nghiệp cần phải tập trung vào thị trường địa phương. Ông Christopher lấy ví dụ về sự thất bại của Uber tại Việt Nam, và nguyên nhân chính là do không tập trung vào thị trường khu vực. "Tuy nhiên, càng ngày, Việt Nam càng có nhiều cơ hội để có tầm nhìn khu vực và toàn cầu dựa vào nguồn lực trong nước", ông kết luận.
Christopher Nguyễn là Chủ tịch, CEO của Arimo - công ty về dữ liệu lớn gây tiếng vang tại Thung lũng Silicon. Ông là cựu Giám đốc Kỹ thuật của Google Apps từ 2006 -2008. Ông từng nhận Giải thưởng Nhà sáng lập Google, là tiến sĩ Stanford và là giáo sư kiêm đồng sáng lập chương trình Kỹ thuật máy tính tại HKUST. Sau đó, ông cùng các cộng sự tại Arimo tiếp tục phát triển dự án Enterprise Brain (Bộ não Doanh nghiệp), cung cấp nền tảng và giải pháp cho doanh nghiệp dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo.