Startup VMEAT vừa thành công kêu gọi vốn trên chương trình Shark Tank 2021.
Theo đó, Shark Louis, ngay trong tập đầu tiên tái xuất, đã chia sẻ rằng quỹ đầu tư của ông không hào hứng với sản phẩm này nhưng về mặt cá nhân thì ông rất thích và ngưỡng mộ những gì mà VMEAT đang làm cho môi trường và xã hội. Vì thế ông đề nghị rót 4 tỷ cho 49% cổ phần. Shark Đỗ Liên cũng hào hứng và bày tỏ ý định hùn vốn cùng với Shark Louis.
Phía Vmeat gọi 4 tỷ đồng cho 40% nhưng hai vị cá mập không đồng ý. Shark Louis nói rằng sự rủi ro khi đầu tư rất là cao nhưng ông và bà Liên quyết định đầu tư, ông thậm chí còn đặt người sáng lập cao hơn, cho họ ra quyền định đoạt công ty vì tôn trọng công sức của đội ngũ sáng lập, vì thế con số cuối cùng vẫn là 4 tỷ cho 49%.
Sau vài phút thảo luận, hai vợ chồng founder kiêm CEO Dương Hoàng Nhã Trúc đã chấp nhận và quyết định đồng hành cùng Shark Louis và Shark Đỗ Liên. Sau khi rời chương trình, ngoài việc nhận được một số vốn lớn nhất định, VMEAT còn bước một bước lớn trên con đường educate thị trường.
Được biết, cặp đôi Dương Hoàng Nhã Trúc và Co-Founder Đoàn Lê Huy đã có kinh nghiệm 10 năm F&B với công ty thực phẩm chay Cây Đề và chuỗi hủ tiếu chay Cây Đề; chị Nhã Trúc còn là một kỹ sư hóa học.
VMEAT đã thành công thuyết phục Shark Liên và Shark Louis xuống tiền trong chương trình Shark Tank 2021.
Vì sao chị lại quyết định tham gia chương trình Shark Tank 2021? Những kỷ niệm đáng nhớ trong khi tham gia chương trình?
Tôi đã thành lập công ty từ giữa năm 2018, chuyên sản xuất các dòng thực phẩm chay truyền thống. Từ lúc thành lập, công ty luôn gặp nhiều khó khăn từ sự canh tranh của những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và từ những hộ gia đình chế biến thủ công.
Mang niềm trăn trở làm thế nào để đưa công ty vượt qua được sự cạnh tranh khốc liệt thị trường thực phẩm chay truyền thống đã bão hoà, tôi muốn tìm kiếm 1 động lực phát triển mới, 1 hướng đi mới: đó là thịt thực vật V-MEAT. Nhưng với một khái niệm "thịt thực vật" quá mới mẻ, làm sao để thị trường biết đến và chấp nhận? Đó lại là 1 niềm trăn trở khác.
Tôi đã theo dõi 3 mùa chương trình Shark Tank, đến năm 2020 thì chương trình bị gián đoạn vì dịch bệnh. Bẵng đi 1 thời gian, tôi cũng quên mất là mình có thể tham dự Shark Tank để tìm kiếm 1 partner, 1 mentor để phát triển sản phẩm công ty.
Tình cờ theo dõi thông tin đăng ký tham dự Shark Tank mùa 4 vào đầu 2021, tôi biết chắc rằng tôi phải tham dự chương trình này. Ban đầu, trong đầu tôi nghĩ ngay đến Shark Thuỷ có lẽ sẽ đầu tư vì Shark Thuỷ là người ăn chay trường và rất thích các sản phẩm vì sức khoẻ qua các thương vụ đầu tư trước đây. Tuy nhiên, khi biết Shark Thuỷ không tham dự mùa này thì tôi hy vọng Shark Liên, là người có quan điểm hướng đề cao tính cộng đồng, sức khoẻ con người, sẽ đầu tư vào công ty.
Khi VMEAT pitching tại chương trình Shark Tank, quả thực đã rất bất ngờ và hạnh phúc khi được hai Shark cùng đồng hành trên chặng đường phát triển sau này. Một Shark Liên mạnh mẽ nhưng ấm áp, thấu hiểu; một Shark Louis quyết đoán, bản lĩnh mà sâu sắc.
Chúng tôi tin rằng, với những giá trị mà VMEAT đang có và tiềm năng phát triển to lớn, kết hợp sự hỗ trợ từ hai Shark; VMEAT sẽ như hổ mọc thêm cánh, vươn mình lan toả sứ mệnh bảo vệ sức khoẻ, môi trường sống của cộng đồng một cách nhanh chóng, rộng rãi, không chỉ tại Việt Nam mà còn ra thế giới.
Cảm ơn chương trình Shark Tank đã làm cầu nối cho VMEAT gặp được những con người tuyệt vời, cảm ơn 2 vị Shark quyền lực và tài giỏi đã nhìn thấy tiềm năng và quyết định đồng hành cùng VMEAT. Hy vọng, với sự giúp sức của 2 Shark, VMEAT sẽ thực hiện sứ mệnh lan toả giá trị nhanh hơn, giúp cho cộng đồng Việt Nam và thế giới luôn "XANH".
Cận cảnh sản phẩm 'thịt thực vật' của VMEAT.
Vì sao chị lại nghĩ tới việc nghiên cứu sản xuất thịt thực vật chứ không phải là một sản phẩm khác?
Xung quanh tôi có nhiều người bạn mắc bệnh nền và bác sĩ bắt buộc phải kiêng thịt động vật. Tôi cũng có hơn 10 năm kinh doanh trong ngành thực phẩm chay nên hiểu rõ những khó khăn của những người quen ăn thịt mà buộc phải kiêng thịt. Vậy có giải pháp nào cho các người bạn của mình?
Từ những trăn trở đó, vừa là 1 người nghiên cứu sản xuất thực phẩm vừa điều hành hệ thống bếp của chuỗi nhà hàng chay, tôi hiểu khá rõ khẩu vị địa phương. Từ đó, tôi đã dành hơn 2 năm để nghiên cứu cấu trúc của thịt thực vật với "taste" phù hợp khẩu vị người Việt, điều mà những nhà sản xuất nước ngoài khó có thể làm được.
Từ lúc lên ý tưởng đến lúc nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, mất bao lâu? Khó nhất là khâu nào mà bên mình phải nghiên cứu lâu và thực hành nhiều lần?
Chúng tôi mất 2 năm để hoàn thiện được sản phẩm thịt thực vật VMEAT. Khó nhất là tìm được cấu trúc của sản phẩm để cho người dùng có thể cảm nhận cảm giác dai của thịt.
Là người đi sau, hẳn VMEAT đã hưởng nhiều lợi ích khi kế thừa được công nghệ - kỹ thuật của thế giới?
May mắn được trải nghiệm nhiều loại thực phẩm của các nước phát triển, tôi nhận ra rằng: khái niệm thịt thực vật đã được sử dụng rộng rãi ở Mỹ, Canada, Châu Âu từ lâu và đã phát triển mạnh trong vài năm gần đây.
Từ đó tôi có cơ hội nghiên cứu kỹ các sản phẩm thịt thực vật được sản xuất ở nước ngoài, nghiên cứu những điểm chưa phù hợp với thị trường Việt Nam. Trên những nền tảng đó, tôi đã nghiên cứu thành công dòng sản phẩm ‘thịt thực vật’ có những đặc tính phù hợp với yêu cầu của bản thân và thị trường.
Cái giống và khác của thịt VMEAT so với các sản phẩm tương tự trên thế giới, đặc biệt là các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam?
Ở Việt Nam, nhiều cơ sở kinh doanh cũng đã bắt đầu nhập khẩu sản phẩm "thịt thực vật" từ các thương hiệu lớn trên thế giới, tuy nhiên hương vị lại không phù hợp với khẩu vị của người Việt và giá thành lại khá cao. Ví dụ: sản phẩm nhập từ Đài Loan cho cảm giác khô và cứng, còn nặng mùi đậu. Sản phẩm từ Mỹ thì khá mềm, xốp và có độ béo cao.
Tất cả nguyên liệu của VMEAT đều là nhập khẩu. Vậy đâu là nguyên do khiến giá thành của VMEAT rẻ hơn vài chục phần trăm? Do nhân công rẻ hơn hoặc công nghệ tối ưu hóa hơn?
Plant-based meat là 1 loại sản phẩm được cấu thành từ rất nhiều thành phần, mà các thành phần này được sản xuất bởi nhiều quốc gia khác nhau. Các nhà sản xuất khác trên thế giới cũng phải nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia khác nhau. Vì vậy, nguồn nguyên liệu không phải là lợi thế cạnh tranh của các nhà sản xuất trong ngành này.
Từ việc sản xuất sản phẩm tại Việt Nam, chúng tôi có thể chủ động hoàn toàn việc quản lý chi phí, chất lượng sản phẩm đầu ra, chủ động marketing quảng bá thương hiệu. Chúng tôi cũng trực tiếp làm việc các kênh phân phối, chủ động cũng như kiểm soát được cấu trúc giá, từ đó giúp mình quyết định được bán ra phù hợp với khách hàng Việt Nam mình.
Chiến lược educate thị trường của VMEAT cụ thể như thế nào?
VMEAT hiện nay là start-up nhỏ, mình không thể làm truyền thông phủ thị trường để "educate" thị trường kiểu như những tập đoàn lớn. Chiến lược của mình là sử dụng digital marketing cho thị trường ngách, thị trường có những khách hàng đã biết đến thịt thực vật, từ đó tạo hiệu ứng viral trên mạng xã hội, lan toả đến đối tượng khách hàng khác. Dần dần, sẽ thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng về thịt thực vật.
VMeat có kế hoạch xuất khẩu không? Và nếu có, liệu việc VMeat dành riêng cho khẩu vị người Việt, liệu có là rào cản khi xuất khẩu?
Thị trường xuất khẩu là thị trường đầy tiềm năng. Sau khi gọi vốn, công ty có kế hoạch nâng cấp xưởng sản xuất để đạt các chứng chỉ cho thị trường xuất khẩu
Chắc chắn chúng tôi sẽ có dòng sản phẩm dành riêng cho thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, làm ra được sản phẩm phù hợp khẩu vị cho người Việt có lẽ đã là việc khó nhất rồi.
Trong thời gian tới, ngoài thịt thực vật, bên mình có kế hoạch sản xuất thêm sản phẩm tương tự nào nữa không ạ?
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung cho ra mắt những dòng sản phẩm từ thịt thực vật, chẳng hạn: thịt bò thực vật, beefsteak thực vật, xúc xích...
Làm F&B đã khó, mảng càng mới khó khăn càng gấp 10. Vợ chồng chị hẳn đã chuẩn bị cả sức lực và trí lực để chiến đấu lâu dài?
Tất nhiên là khó nên chúng tôi sẽ không đi 1 mình, chúng tôi còn có sự đồng hành của các Shark cơ mà! Nói thế thôi, mình đã bỏ tâm huyết vào dự án này nhiều rồi nên có khó khăn mấy mình cũng sẽ cố gắng vượt qua.
Cảm ơn chị!