Ngày 16/3, Công ty cổ phần FPT công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Theo đó, đại hội sẽ được tổ chức vào ngày 7/4/2022.
FPT sẽ trình đại hội cổ đông về việc bầu 7 nhân sự điều hành mới trong nhiệm kỳ 2022 - 2027. Trong đó, 3 ''tướng'' gạo cội là ông Trương Gia Bình, ông Bùi Quang Ngọc và ông Đỗ Cao Bảo sẽ tiếp tục tại vị cùng với ông Jean Charles Belliol.
Đáng chú ý, Tập đoàn này sẽ có sự điều chỉnh nhân sự thành viên Hội đồng quản trị. Cụ thể, 3/7 người sẽ rời khỏi HĐQT gồm ông Lê Song Lai, ông Tomokazu Hamaguchi và ông Dan E Khoo. Những gương mặt mới đứng vào hàng ngũ HĐQT FBT gồm ông Hiroshi Yokotsuka, ông Hamparur Rangadore Binod và bà Trần Thị Hồng Lĩnh.
Được biết, ''tướng'' mới Hiroshi Yokotsuka (1951, Nhật Bản) từng là Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ thông tin Nhật Bản và là thành viên của một số ủy ban về chính sách Công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước. Hiện ông là Chủ tịch của CeFIL, một tổ chức phi lợi nhuận về thúc đẩy đổi mới sáng tạo có liên quan tới Liên đoàn Doanh thương Nhật Bản (Keidanren).
Với gần 50 năm kinh nghiệm trong ngành CNTT, ông nổi tiếng với cuộc cải cách CNTT toàn diện cho Tokio Marine & Nichido Fire Insurance nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung bằng dự án tái cấu trúc quy mô lớn giai đoạn 2004-2009.
Tiếp đó, với 36 năm kinh nghiệm trong ngành CNTT, ông Hamparur (1962, Ấn Độ) là người gia nhập Infosys (công ty CNTT Ấn Độ lớn thứ 4 thế giới) từ thời kỳ đầu và gắn bó 28 năm.
Về bà Trần Thị Hồng Lĩnh (1979), bà từng làm việc tại Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4, CTCP dược phẩm thiết bị y tế Hà Nội (Hapharco), Tổng công ty công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex).
Với hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực đầu tư và quản trị doanh nghiệp, ''nữ tướng'' mới của FPT hiện kiêm vị trí Phó trưởng ban đầu tư 4 Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và là thành viên HĐQT, người đại diện vốn SCIC tại CTCP Thiết bị khí tượng thủy văn và môi trường Việt Nam (Hymetco).
Ngoài ra, ban kiểm soát FPT cũng có sự thay đổi khi bà Dương Thùy Dương (hiện là chuyên viên đầu tư của SCIC) thế chỗ bà Nguyễn Thị Kim Anh.
Trong thông báo, FPT đồng thời công bố KQKD năm 2021. Theo đó, năm 2021 FPT đạt doanh thu 35.657 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.335 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2022, FPT đặt mục tiêu doanh thu tăng 19% lên 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 7.618 tỷ đồng.
FPT sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức 20% bằng tiền mặt cho năm 2021, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu, đồng thời chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng tỷ lệ 20%. Chỉ tiêu cổ tức năm 2022 là 20%.