Ngày 31/5, CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh – HSC (mã CK: HCM) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến C2C với chủ đề "FPT: Công nghệ Việt Nam – Vị thế toàn cầu". Tại buổi hội thảo, có sự hiện diện của bà Vũ Thị Thu Thuỷ - Giám đốc tư vấn và Nhận định thị trường khối KHCN của HSC; ông Vũ Anh Tú – Giám đốc công nghệ FPT và ông Nguyễn Thế Phương – Phó Tổng giám đốc kiểm CEO FPT.
Tiềm năng chuyển đổi số
Tại buổi hội thảo, bà Thuỷ đã có chia sẻ về ảnh hưởng của việc FED tăng lãi suất và tác động đến thị trường chứng khoán. Từ trước đến nay, nhà đầu tư thường có suy nghĩ rằng khi FED tăng lãi suất, thị trường chứng khoán sẽ giảm. Nhưng trên thực tế, thống kê cho thấy thị trường chứng khoán thường đi trước, phản ánh thông tin và điều chỉnh sớm. Đến khi ngân hàng trung ương liên tục tăng lãi suất, giá cổ phiếu lại tăng.
Trong 12 giai đoạn FED tăng lãi suất có 11 lần S&P500 tăng điểm
Sau 1 năm FED tăng lãi suất, có nhiều ngành ghi nhận mức tăng tốt, trong đó đứng đầu là ngành công nghệ với 19%.
Đối với Việt Nam, công nghệ chính là động lực tăng trưởng mới và ngành càng quan trọng. Theo tổ chức nghiên cứu về năng suất của Châu Á (APO), các nhân tố tổng hợp (TFP) - thường để chỉ tiến bộ khoa học – công nghệ, được dự báo sẽ tăng đáng kể tỷ trọng đóng góp trong tăng trưởng GDP của Việt Nam, ước tính lĩnh vực này đóng góp 2,4% trong mức tăng trưởng 7% giai đoạn 2025-2030, tương đương mức đóng góp 34%.
Về tiềm năng chuyển đổi số toàn cầu, ông Vũ Anh Tú cho biết tăng trưởng chuyển đổi số trên toàn cầu là 16%, dự kiến giá trị đầu tư chuyển đổi số đạt 2.400 tỷ USD vào năm 2024. Hiện nay có 70% tổ chức và doanh nghiệp toàn cầu đã đầu tư, tăng tốc chuyển đổi số. Trong đó, các công nghệ chính thúc đẩy chuyển đổi số: AI, Bockchain, Cloud, Bigdata.
Tại Việt Nam, làn sóng chuyển đổi số đang tràn vào tất cả lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều mục tiêu chuyển đổi số của 10 - 20 năm được đẩy nhanh trong 3-5 năm. Có 55/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số. Với tổng doanh thu toàn ngành đạt 3.462.170 tỷ đồng, tăng 9,6%.
Mục tiêu của FPT với vị thế đứng đầu ngành công nghệ Việt Nam
Nói về tiềm năng của FPT, ông Nguyễn Thế Phương chia sẻ FPT là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, hoạt động với 3 khối kinh doanh là công nghệ, viễn thông và giáo dục.
Trong đó, khối công nghệ là khối mũi nhọn và động lực tăng trưởng chính cho FPT. FPT cung cấp 1 hệ thống đầy đủ các sản phẩm dịch vụ công nghệ từ tư vấn chuyển đổi số; đến các giải pháp chuyển đổi số dựa trên công nghệ; các nền tảng điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo toàn diện; các giải pháp, dịch vụ chuyên sâu cho các lĩnh vực: Tài chính – Ngân hàng, Sản xuất, Y tế, …; tích hợp chuyển đổi hệ thống công nghệ.
FPT đang kinh doanh công nghệ chủ yếu ở thị trường nước ngoài với 4 thị trường: Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, Châu Thái Bình Dương. Tỷ lệ gia công của FPT chỉ chiếm vài %, mà chủ yếu là phát triển toàn bộ platform cho các công ty. Doanh thu bình quân của FPT ở thị trường nước ngoài là 36.000 USD/người/năm và tăng trưởng đều đặn 10%/năm.
Đối với thị trường trong nước khác hàng chính của FPT là chính phủ, các tỉnh thành và các doanh nghiệp vừa và lớn.
Với khối viễn thông, FPT có vị thế và quy mô của top 3 nhà cung cấp dịch vụ internet hàng đầu Việt Nam, các sản phẩm và dịch vụ đang dạng từ viễn thông, truyền hình FPT đến hệ sinh thái truyền thông số đứng đầu.
Với khối giáo dục, đây là khối tăng trưởng tốt nhất của FPT trong năm 2021 với 32,5%.
Ông Vũ Anh Tú cho biết thêm về mảng công nghệ, trong năm qua FPT đã có cơ hội làm việc với nhiều đối tác lớn, và có 2 chuyên gia hàng đầu về công nghệ tham gia HĐQT là ông Hiroshi Yokotsuka, ông Hampapur Rangadore Binod.
Nắm bắt cơ hội đó, FPT đặt mục tiêu trở thành Top 50 công ty hàng đầu chuyển đổi số thế giới. FPT đặt mục tiêu cho tăng trưởng doanh thu chuyển đổi số là 30 - 40%.
Các sản phẩm công nghệ của FPT không chỉ tiên phong ở Việt Nam mà còn được đưa vào danh sách Gartner Pear Insights (akaBot, akaChain, Cloud MSP). Từ năm 2021, FPT đã đề chiến lược là data driven - customer centric. Đến năm 2022 - 2204, FPT sẽ tập trung phát triển sản phẩm mới trên quy mô lớn hơn, hướng đến paperless solutions.
Khi được hỏi về rủi ro lạm phát, thị trường của FPT có bị ảnh hưởng không, ông Phương chia sẻ, trong môi trường lạm phát, các doanh nghiệp khi khó khăn sẽ cắt giảm chi tiêu, nhưng sau Covid quá trình chuyển đổi số vẫn diễn ra mạnh mẽ. Các công nghệ mới đã chứng tỏ được lợi thế giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu quả sản xuất rất nhiều.