CTCP FPT (FPT) đã công bố KQKD 2019 với doanh thu đạt 27,7 nghìn tỷ đồng (tăng 19%) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 3,1 nghìn tỷ đồng (tăng 20%). Kết quả này tương ứng với LNST sau lợi ích CĐTS quý 4/2019 đạt 757 tỷ đồng, giảm 4% do:
(1) ghi nhận chi phí thưởng cuối năm cho nhân viên mảng Xuất khẩu Phần mềm và CNTT trong nước;
(2) trong quý 4/2018, FPT ghi nhận khoảng 100 tỷ đồng LN bất thường từ việc hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính;
(3) LN kém khả quan tại công ty liên kết FPT Retail.
Ban lãnh đạo kỳ vọng FPT sẽ duy trì mức tăng trưởng trong năm 2020 tương tự 2019.
Dù lợi nhuận 2019 không đạt dự báo, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vẫn duy trì quan điểm tích cực với triển vọng tăng trưởng của FPT, được dẫn dắt bởi các mảng kinh doanh trụ cột bao gồm Xuất khẩu Phần mềm, Dịch vụ Viễn thông và Giáo dục. Trong đó:
(1) Mảng Xuất khẩu Phần mềm: Doanh thu tăng 29%, LNTT tăng 27% khi các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ. Thị trường Nhật Bản (chiếm 51% doanh thu mảng Xuất khẩu Phần mềm) ghi nhận tăng trưởng 18% trong năm 2019. Trong khi đó, doanh thu từ các thị trường Mỹ/EU/APAC tăng mạnh 47%/27%/43%. Theo FPT, tăng trưởng doanh thu đến từ các khách hàng mới trong khi các hợp đồng hiện tại được ký mới với giá trị cao hơn.
Tăng trưởng doanh thu thừ thị trường Nhật Bản trong năm nay chững lại so với mức tăng 30% ghi nhận trong năm trước, một phần do công ty tái cơ cấu danh mục khách hàng tại Nhật Bản khi tập trung nhiều hơn vào các khách hàng lớn. Ban lãnh đạo kỳ vọng tăng trưởng sẽ phục hồi trong năm 2020.
Mặt khác, biên LNTT mảng Xuất khẩu Phần mềm đã giảm 20 điểm điểm cơ bản còn 15,9% trong năm 2019 do khấu hao lợi thế thương mại liên quan đến việc mua lại Intellinet vào cuối năm 2018. Nếu điều chỉnh cho khoản khấu hao lợi thế thương mại này, LNTT mảng này tăng 30 điểm cơ bản lên 16,4% trong năm 2019, theo ước tính của VCSC.
(2) Dịch vụ Viễn thông: Doanh thu tăng 18%, LNTT tăng 30% nhờ tăng trưởng thuê bao băng thông rộng ở mức 2 chữ số và biên LN cải thiện. Doanh thu mảng băng thông rộng tăng 15% năm 2019 nhờ tăng trưởng số lượng thuê bao mới trong khi doanh thu trung bình trên mỗi người dùng giảm khi FPT thâm nhập sâu hơn vào các thành phố cấp 2 và cấp 3.
Trong khi đó, doanh thu từ các mảng khác (cho thuê đường truyền, voice, data center và Pay TV) tăng mạnh 24%, được dẫn dắt bởi mảng Pay TV. Biên LNTT mảng Dịch vụ Viễn thông tăng 1,4 điểm % lên 15,2% trong năm 2019, một phần được hỗ trợ bởi khoản đóng góp cho Quỹ Viễn thông Công ích Việt Nam giảm từ 1,5% còn 0,7% doanh thu mảng băng thông rộng từ tháng 7/2018.
(3) Mảng Giáo dục ghi nhận lượng sinh viên mới ở mức cao: Tính đến cuối 2019, FPT Education ghi nhận tổng số sinh viên khoảng 50.000 (+40% YoY). Việc mở rộng lượng sinh viên mới này hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận mảng Giáo dục trong năm 2020.