Nhóm quỹ Dragon Capital tiếp tục bán ra và hạ tỷ trọng cổ phiếu FRT của FPT Retail. Chi tiết, quỹ này dã thực hiện bán gần 2,4 triệu cổ phiếu FRT trong thời gian 10-12/12. Trong đó, các quỹ thành viên bán ra là Wareham Group Limited (1,55 triệu cổ phiếu) và Vietnam Enterprise Investments Limited (804.970 cổ phiếu).
Trước đó, trong 3 ngày từ 2-4/12, nhóm quỹ Dragon Capital liên tiếp thoái vốn khỏi FPT Retail (FRT), từ mức 8,7 triệu cổ phiếu – tương ứng tỷ lệ 11,02% về còn 6,8 triệu đơn vị - tương ứng tỷ lệ 8,6% vốn.
Tính chung với việc thoái trước đó không lâu, tổng khối lượng quỹ này bán ra gần 6,5 triệu cổ phiếu, khoảng 8,1% vốn Công ty. Tỷ lệ sở hữu theo đó giảm xuống còn 5,19% vốn, tương đương hơn 4,1 triệu cổ phần.
Trên thị trường, cổ phiếu FRT có đà tăng giá từ 22.000 đồng/cp lên 28.150 đồng/cp trong thời gian quỹ ngoại rút vốn. Tạm tính theo mức thị giá trên, số tiền Dragon Capital thu về vào khoảng 160 tỷ đồng.
Về FRT, năm 2020 Công ty chịu áp lực từ ngành ICT giảm cùng với dịch Covid-19, trong khi phải đầu tư cho chuỗi Long Châu khiến chỉ số kinh doanh không mấy tích cực.
Riêng đợt ra mắt iPhone 1 mới đây, FPT Shop trên vai trò đại lý uỷ quyền có các cấp cao nhất ở Việt Nam cũng ghi nhận những con số khả quan với 41.000 (lượng khách quan tâm), 25.000 (đơn đặt hàng), 15.000 (đơn đặt cọc) và bán ra con số lịch sử 4.500 máy chỉ trong ngày mở bán 27/11/2020.
"iPhone 12 Series vừa ra mắt là điểm sáng nhưng chỉ đóng góp cho hơn 1 tháng cuối năm thì đến thời điểm hiện nay kế hoạch kinh doanh vẫn khó có thể đạt được kỳ vọng đặt ra trước khi dịch bệnh xuất hiện", đại diện Công ty phân trần.
Không chỉ Iphone, máy tính xách tay với nhu cầu tăng mạnh cũng là điểm sáng kinh doanh của FRT. Luỹ kế 11 tháng đầu năm, doanh thu mảng này tăng trưởng 43% theo doanh thu, riêng các tháng nhập học mức tăng lên tới 50% so với cùng kỳ năm trước.