CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom – mã chứng khoán FOX) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với cùng kỳ.
Cu thể, doanh thu thuần quý 3 đạt 3.106 tỷ đồng, tăng 8,1% so với quý 3 năm ngoái. Trong khi đó tỷ lệ tăng chi phí vốn cao hơn, đến 19,1% dẫn đến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 1.413 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ.
Trong quý doanh thu tài chính đạt 127 tỷ đồng, tăng 44 tỷ đồng so với cùng kỳ chủ yếu do tăng thu lãi tiền gửi là lãi chênh lệch tỷ giá. Trong khi dó chi phí tài chính cũng tăng 36 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 93 tỷ đồng. Chi phí tài chính của FPT Telecom chủ yếu từ chi trả lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá.
Chi phí bán hàng tăng 40 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 360 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm được 128 tỷ đồng, xuống còn 508 tỷ đồng.
Kết quả, quý 3 FPT Telecom lãi sau thuế 468 tỷ đồng, tăng 11,6% so với quý 3/2020, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 449 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 doanh thu thuần FPT Telecom đạt 9.232 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kỳ doanh thu tài chính đạt 336 tỷ đồng, tăng 85 tỷ đồng so với cùng kỳ, còn chi phí tài chính cũng tăng 26 tỷ đồng, lên 220 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 280 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 1.255 tỷ đồng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm được 159 tỷ đồng, xuống còn 1.557 tỷ đồng.
Kết quả 9 tháng đầu năm 2021 FPT Telecom lãi sau thuế 1.426 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.363 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2021 FPT Telecom còn 1.567 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra công ty còn 825 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển, 55 tỷ đồng vốn khác của chủ sở hữu và 20 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.
Tổng nợ phải trả đến cuối quý 3 hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 6.569 tỷ đồng (tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với số dư đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 213 tỷ đồng (giảm 30 tỷ đồng so với đầu kỳ).